Cuối tháng 8/2023 vừa qua, đoàn công tác của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tham dự hội nghị các Nhà quản lý Kỹ thuật Cấp cao lần thứ 24 (STM24) đã được tổ chức tại Nhật Bản.
Hội nghị các Nhà quản lý Kỹ thuật Cấp cao là một trong những hoạt động hàng năm của Mạng lưới Giám sát lắng đọng Axit vùng Đông Á (EANET) với sự tham gia của Đầu mối quốc gia của các nước thành viên bao gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Philippine, Hàn Quốc, Liên bang Nga, và Thái Lan.
Tại các phiên họp, Trung tâm Mạng lưới và Ban thư ký của EANET trình bày và thảo luận các nội dung về Tiến độ của EANET kể từ STM23, dự thảo dữ liệu năm 2022, đánh giá kết quả của Dự án So sánh Liên Phòng thí nghiệm (ILC) năm 2022, Kế hoạch Giám sát Quốc gia (NMP) trong khuôn khổ EANET, các Hoạt động Giám sát Hiện tại và Hiện trạng Quan trắc Không khí của các Quốc gia Thành viên và dự án Nghiên cứu Phương pháp luận để Phát triển Mạng lưới Quan trắc Chất lượng Không khí Kết hợp (HAQMN) Sử dụng Thiết bị Cảm biến Chi phí thấp (LCS).
TS. Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội nghị
Thành viên đoàn công tác của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tích cực đóng góp ý kiến về các hoạt động của EANET, trình bày về Kế hoạch Giám sát Lắng đọng Axit trong khuôn khổ EANET vả các Nghiên cứu về LCS của Việt nam mà Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang triển khai.
Công tác quan trắc lắng đọng axit nói riêng và quan trắc chất lượng môi trường không khí nói chung đang ngày càng trở nên quan trọng trong thực hiện quản lý chất lượng không khí. Việc sử dụng LCS trong quan trắc chất lượng môi trường không khí có rất nhiều ưu điểm như chi phí thấp, lắp đặt và vận hành đơn giản, cung cấp số liệu nhanh. Việt Nam cần tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hội thảo liên quan đến LCS để học hỏi và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này và tiến tới việc áp dụng rộng rãi.
Nguồn: monre.gov.vn