CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Từ 2021, chấm dứt đốt rơm rạ ở Hà Nội

0

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu và chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

* Mỗi năm phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ cần xử lý

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô.

Để hạn chế tình trạng này, thành phố Hà Nội đã triển khai mô hình  “Thành phố không đốt rơm rạ” với nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân thu gom và xử lý rơm rạ thành các sản phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả. Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương trong vụ Xuân 2020 có giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, chưa địa phương nào khẳng định là đã chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch. Tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tái diễn theo mùa vụ.

Nguyên nhân chủ yếu do, người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ nên vẫn còn hiện tượng đốt rơm rạu tự phát tại các địa phương; các địa phương chưa chủ động nguồn kinh phí cho các xã trên địa bàn để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; Thiếu chế tài xử phạt và cơ chế giám sát về việc thực thi nhiệm vụ đốt rơm rạ…

* Chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ trước ngày 31/12/2020

Tại Chỉ thị số 15/CT-UBND, UBND TP. Hà Nội giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm các đơn vị nhận đặt hàng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn; tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Đến ngày 30/9/2020, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo các quy định hiện hành; đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.

Đến ngày 31/12/2020, thành phố Hà Nội thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trước ngày 31/12/2020.

Từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng diễn ra trên địa bàn quản lý.

UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giám sát UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chỉ thị; tổ chức tuyên truyền, soạn thảo và cung cấp tài liệu tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng, chất thải khác không đúng quy định đến sức khỏe và môi trường; nghiên cứu, ứng dụng mô hình phân tích ảnh hưởng của việc đốt rơm rạ đến môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng nhằm đánh giá hiện trạng và ảnh hưởng của đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn TP, phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng và thực thi chính sách, giám sát trách nhiệm thực thi của chính quyền các cấp trên địa bàn…

Đồng thời, giao UBND các quận, huyện, thị xã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường TP. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo để đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn…

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.