CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Trả lời kiến nghị của Ông Trương Tử Long về cơ chế đại diện cộng đồng dân cư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

0

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời Thư kiến nghị của Ông Trương Tử Long về việc yêu cầu hỗ trợ, giải thích về cơ chế đại diện cộng đồng dân cư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 146 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, theo đó “(1) Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp; (2) Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở. (3) Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham giá đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

Điều 50 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường quy định về đại diện cộng đồng dân cư như sau: “(1) cộng đồng dân cư có thể lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân làm người đại diện cộng đồng dân cư thông qua cuộc họp toàn thể hoặc đại diện hộ gia đình trong cộng đồng dân cư; (2) tổ chức, cá nhân chấp thuận làm người đại diện của cộng đồng dân cư có trách nhiệm thực hiện những hoạt động trong phạm vi được cộng đồng ủy quyền và chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân cư và pháp luật về những hoạt động của mình”.

Theo quy định nêu trên thì đại diện cộng đồng dân cư có thể là 01 tổ chức hoặc 01 cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình, nhưng phải được cộng đồng dân cư lựa chọn thông qua cuộc họp toàn thể. Do vậy, cần phải có đại diện cộng đồng dân cư để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 146 Luật bảo vệ môi trường 2014, bởi vì họ sẽ có trách nhiệm thực hiện những hoạt động trong phạm vi cộng đồng ủy quyền và chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân cư và pháp luật về những hoạt động của mình.

Đối với cá nhân Ông, Ông hoàn toàn có thể là đại diện cộng đồng dân cư để thực hiện quyền và trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 146 Luật bảo vệ môi trường 2014 (quyền yêu cầu cung cấp thông tin, quyền tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường) nếu Ông được lựa chọn là người đại diện thông qua cuộc họp toàn thể cộng đồng dân cư nơi ông làm việc hoặc cư trú theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ.

Ngoài ra, cá nhân Ông hoàn toàn có quyền phản ánh, kiến nghị, tố cáo (mà không cần phải được bình chọn là người đại diện cộng đồng dân cư như quy định nêu trên) đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của Luật Tố cáo 2018.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.