TP. HCM là địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất cả nước, với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó, phát thải khí carbon từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%.
Hướng tới thực hiện các mục tiêu giảm phát thải carbon giai đoạn tới, TP. HCM xác định tập trung ưu tiên giảm giải trong hoạt động giao thông vận tải, thông qua việc triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo hướng vận tải carbon thấp, tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu than thiện với môi trường.
Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 đã đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn. Đến nay, theo điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng, nồng độ các khí thải gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải đã giảm khoảng 80%. Cụ thể, khí CO giảm khoảng 40%, khí HC giảm khoảng 30% và khí NOx giảm tới gần 90%.
Để đạt được kết quá đáng mừng đó, những năm qua thành phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và tiêu dùng xăng sinh học E5.
Về cơ sở hạ tầng, thành phố đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tự động sử dụng thiết bị hiện đại của các nước G7 với tổng đầu tư 495 tỷ đồng nhằm thay thế hệ thống quan trắc thủ công vốn mất rất nhiều thời gian để phân tích mẫu và không thể cung cấp số liệu liên tục cho người dân. Hiện Sở đã lắp đặt thí điểm hai trạm quan trắc không khí tự động ở cửa ngõ phía Đông và phía Tây của Thành phố. Các trạm này cứ 5 phút cho dữ liệu một lần, hoạt động liên tục với độ chính xác cao, điều mà các hệ thống quan trắc thủ công lâu nay không thực hiện được, qua đó đã giúp Sở kiểm soát tốt hơn tình trạng ô nhiễm không khí tại đây, đưa ra dự báo, cảnh báo đến người dân.
Dự kiến đến năm 2030, Sở sẽ lắp đặt thêm 16 trạm quan trắc tự động ở các giao lộ lớn, khu dân cư, khu công nghiệp tại các quận huyện để nâng tần suất quan trắc không khí của Thành phố lên gấp 5 lần hiện nay.
Cũng từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đẩy mạnh việc đầu tư và đưa vào sử dụng gần 2.000 xe buýt mới thay thế cho hệ thống xe cũ, nhằm hạn chế lượng khí thải phát ra môi trường. Đáng chú ý, trong số gần hai nghìn xe buýt này có tới 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. So với các xe buýt sử dụng dầu diesel thì lượng khí thải độc hại từ những xe CNG giảm từ 53-63%, không có bụi và khói đen, tiết kiệm 30-40% nhiên liệu.
Xác định phương tiện giao thông là một trong những nguồn phát thải carbon lớn, thành phố đang chỉ đạo triển khai việc kiểm tra định kỳ khí thải đối với phương tiện vận tải tham gia giao thông. Trước mắt, năm 2020, thành phố triển khai thiết lập 8 điểm kiểm tra khí thải xe máy tự nguyện và miễn phí cho người dân nhằm phát hiện những xe máy có nồng độ khí thải lớn hơn tiêu chuẩn để ghi nhận, tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm để triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn thành phố.
Theo Monre.gov.vn