CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tìm “công nghệ phù hợp” để tận dụng, xử lý chất thải

0

Các giảng viên nữ bộ môn Công nghệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 với những nghiên cứu về tận dụng, xử lý chất thải và phân tích, đánh giá môi trường đang được thử nghiệm trong thực tế.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 dành cho tập thể được trao cho tập thể nữ giảng viên bộ môn Công nghệ môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các đề tài nghiên cứu của nhóm nhà khoa học nữ này tập trung vào hai mảng chính là “tận dụng, xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý công nghệ phù hợp, chi phí thấp, phù hợp cho các đối tượng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làng nghề” và “phân tích, đánh giá môi trường”, trong đó chú trọng các lĩnh vực như: đánh giá tác động môi trường nền, đánh giá hiện trạng môi trường nước mặt, nước ngầm, môi trường không khí, phân tích tác động ảnh hưởng của các thành phần ô nhiễm này đến sức khỏe, hệ sinh thái…

cô Nguyễn Thị Hà
PGS.TS Nguyễn Thị Hà – Trưởng Bộ môn Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Thị Hà – Trưởng Bộ môn Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhóm nghiên cứu ở bộ môn Công nghệ Môi trường chú trọng “công nghệ phù hợp xử lý chất thải” trên cơ sở tận dụng các nguồn thải, các nguyên liệu sẵn có, tại chỗ, rẻ tiền của địa phương để chế tạo ra các vật liệu xử lý môi trường; hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị, từ đó thu hồi và quay trở lại làm kinh phí cho xử lý.

“Đối với doanh nghiệp, ưu tiên khi hoạt động là lợi nhuận, tất nhiên khi bắt buộc phải thực hiện chế tài về môi trường thì phải làm. Với những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh có thể đầu tư giải pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công…khó để áp dụng những giải pháp chi phí cao. Do vậy, nhóm nghiên cứu tập trung vào những đối tượng đó, tìm ra những phương án phù hợp nhất để có thể áp dụng được ngay; kể cả những giải pháp không cần đầu tư tài chính mà chỉ cần thay đổi những thao tác hoặc một chút về quy trình sản xuất sạch hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà lý giải.

tập thể nữ cán bộ
Tập thể nữ cán bộ Bộ môn Công nghệ Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tại lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 

Từ hai hướng nghiên cứu trên, nhiều đề tài, mô hình đã được triển khai ứng dụng như: “Xây dựng hệ thống xử lý nước dệt vải nhuộm”, “Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao”, “Sử dụng các biện pháp sinh học để xử lý nước thải”…

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hà, nhiều đề tài được áp dụng thử nghiệm vào thực tế. Đáng chú ý, sau một thời gian tập trung nghiên cứu, tập thể lao động nữ tại đây đã tìm ra lời giải “Chế tạo vật liệu xử lý Asen trong nước”.

Đề tài xử lý Asen trong nước ngầm trên địa bàn Hà Nội đang được áp dụng thí điểm tại 2 trường mầm non và 1 trạm y tế. Nhóm nghiên cứu cũng đã đạt được quỹ thứ 2 để phát triển đề tài này, đó là áp dụng tại 2 nhà trẻ khác ở vùng nước nhiễm asen nặng. Được áp dụng thêm 20 hộ gia đình tại Hà Nội. Nhóm nghiên cứu đã làm những thiết bị xử lý nước nhỏ gọn, giá thành rẻ, để có thể phục vụ cho cộng đồng và có thể áp dụng trong thực tế.

triển lãm sản phẩm
Triển lãm các sản phẩm sản xuất từ tận dụng bùn thải mạ điện và giấy ăn thải

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu nhóm cũng gặp nhiều khó khăn và không phải nghiên cứu nào cũng thành công. Một số sản phẩm của các đề tài đã được đưa vào thử nghiệm ở quy mô hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ và thu hút được kết quả tốt. Song, để thành thương phẩm đưa ra thị trường vẫn còn vướng nhiều vấn đề về chi phí hiệu quả, tính kinh tế, sự cạnh tranh, cơ chế…

Chẳng hạn như, đề tài “xử lý nước thải mạ điện để tận dụng làm men màu gốm sứ và vật liệu xây dựng” đã sản xuất thử nghiệm và đưa ra ứng dụng trong quy mô hộ gia đình tại một số hộ dân ở Bát Tràng (Hà Nội); sản xuất gạch tại một số cơ sở sản xuất ở Hà Nam. Mặc dù, sản phẩm thử nghiệm rất tốt, đạt yêu cầu về chất lượng, độ bền các thông số kỹ thuật, các yếu tố về mặt môi trường; nhưng để họ chấp nhận sử dụng sản phẩm vẫn còn vướng vì nhiều lý do. Trong đó, điều quan trọng nhất là người dân vẫn còn e dè với việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ chất thải, phế thải.

thảo luận tại phòng nghiên cứu
Các cán bộ chuyên môn Bộ môn Công nghệ Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên thảo luận tại Phòng Thí nghiệm

Chia sẻ về những trăn trở và khó khăn trong mỗi đề tài nghiên cứu, cô Nguyễn Thị Hà cho hay, nghiên cứu thực địa không phải cứ nghiên cứu là thành công, có những thí nghiệm làm đi làm lại, thậm chí phải làm đến 10 lần cũng chưa đạt điều mình mong muốn. Hơn nữa, là một nhà môi trường, khi lựa chọn các giải pháp thì không chỉ quan tâm đến kinh tế mà phải lựa chọn giải pháp có đảm bảo công nghệ xanh, kỹ thuật tạo ra chất thải thứ cấp ít nhất hay không, còn nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh kinh tế thì rất dễ.

“Trong nghiên cứu, khi phải quan tâm đến cả khía cạnh kinh tế, môi trường và khía cạnh pháp lý, lúc đó phải lựa chọn cẩn thận hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.