(TN&MT) – Sáng 24/10, thảo luận về nội dung Giấy phép môi trường trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tích hợp giấy phép môi trường sẽ đạt mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ đang xây dựng đồng thời giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.
Báo cáo tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về lựa chọn phương án sử dụng giấy phép môi trường.
Toàn cảnh phiên họp sáng 24/10 |
Dự thảo Luật trình 02 phương án
Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình): Chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật BVMT năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.
Về việc dùng một loại giấy phép: Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều có nội dung cơ bản giống nhau cho 01 đối tượng xả nước thải.
Do đó, theo giấy phép mới sẽ giải quyết được tình trạng một đối tượng là nước thải xả thải ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ thủ tục hành chính do các cơ quan về quản lý khác nhau thực hiện; bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm đầu mối trong quản lý.
Tuy nhiên thực hiện phương án 1 phải sửa đổi, bổ sung 02 khoản của Điều 44 (điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 44) và bãi bỏ Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 như tại Điều 173; đồng thời có quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như tại Điều 174 của Dự thảo Luật và phải phân định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (thuộc ngành tài nguyên và môi trường) và cơ quan quản lý vận hành và chịu trách nhiệm về chất lượng nước của công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt (thuộc ngành NN&PTNT).
Phương án 2: Vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” theo quy định của Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.
Theo phương án 2 thì việc có Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi sẽ phân định rõ trách nhiệm của ngành NN&PTNT đảm bảo chất lượng nguồn nước thủy lợi.
Cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Một số ý kiến cho rằng nếu theo phương án 1 thì phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi và có làm quản lý thủy lợi tốt hơn không thì vẫn là vấn đề ở phía trước.
Căn cứ 02 phương án nêu trên, Dự thảo Luật đã thể hiện quy định của các điều liên quan cho từng phương án tại Mục 4 – Giấy phép môi trường. Theo đó, phương án 1 gồm các điều từ Điều 40a đến Điều 49a; phương án 2 gồm các điều từ 40b đến Điều 45b. Đồng thời có quy định theo 02 phương án ở Điều 173 và Điều 174.
Tích hợp giấy phép môi trường sẽ đạt mục tiêu cải cách hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp
Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đồng tình với phương án 1, tức là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng việc xác định một loại giấy phép là một xu hướng tất yếu trong lộ trình cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai thực hiện một cách quyết liệt. |
“Tôi nghĩ rằng, việc xác định 1 loại giấy phép môi trường cũng thể hiện đúng thẩm quyền là giao cho một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cũng sẽ khắc phục được tình trạng đó là, nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của 2 loại giấy tờ do 2 cơ quan quản lý cấp.
Đồng thời, nếu chúng ta thực hiện theo phương án này thì sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính qua hình thức tích hợp giấy phép và rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đây là một xu hướng tất yếu trong lộ trình cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai thực hiện một cách quyết liệt.” – Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ thì đại biểu cho rằng cần phải có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó ưu tiên hậu kiểm để bảo đảm thống nhất và không chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, các đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) , Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Lê Công Nhường (Bình Định), Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đều cho rằng việc đưa ra giải pháp ở phương án 01 là thay đổi có tính đột phá theo hướng quy định thì đơn giản, nhưng quản lý được và có tính động viên trong công tác bảo vệ môi trường.
Giải quyết vấn đề chồng chéo với Luật Thuỷ lợi
Theo đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) thì cần thực hiện phương án 2, là vẫn thực hiện cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như đã được quy định trong Luật Thủy lợi.
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) |
Bởi vì, Luật Thủy lợi do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm và bảo vệ số lượng và chất lượng về nước trong công trình thủy lợi để đáp ứng việc chuyển đổi từ cơ chế thủy lợi phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là hợp đồng dân sự.
Vì vậy, nếu giao ngành tài nguyên môi trường thực hiện cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi sẽ dẫn đến việc quản lý nhà nước về công trình thủy lợi do 2 ngành quản lý, tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm về chất lượng nước mà ngành nông nghiệp phát và triển nông thôn chịu trách nhiệm về số lượng nước trong các công trình thủy lợi. Nếu chia tách 2 vấn đề này về số lượng và chất lượng như vậy sẽ không bảo đảm tính khoa học, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và sẽ dẫn đến việc vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại điểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị giao ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng nước trong công trình thủy lợi, thực hiện cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi, ngành tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm môi trường nói chung. Trước mắt, tập trung vào bảo vệ chất lượng nước của nguồn nước tự nhiên là khoa học và phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Minh Chuẩn với vấn đề môi trường như hiện nay thì chỉ theo phương án 01 sẽ giải quyết được ô nhiễm nguồn môi trường nguồn nước. Việc nếu nguồn nước thủy lợi có yêu cầu riêng so với nguồn nước khác thì có thể yêu cầu thể hiện trong giấy phép.
Còn đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng việc viện dẫn vì quy định của Luật Thủy lợi để giữ lại giấy phép này là không thuyết phục, vì ta có thể sửa như trong dự thảo luật này đã trình mà vẫn đảm bảo yêu cầu bảo vệ các công trình thủy lợi, vì có sự tham gia của các cơ quan quản lý công trình thủy lợi khi cấp phép chung.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đưa ra 2 điểm cần lưu ý. Một số quy định trong giấy phép hiện hành chỉ thực hiện sau khi đã hoàn thành công trình. Ví dụ, việc xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nay tích hợp vào 1 giấy phép môi trường được cấp khi chưa hoàn thành xây dựng thì cần rà soát nội dung giấy phép để tránh mâu thuẫn, không thực hiện được trong thực tiễn. Cần quy định rõ quyền và trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý công trình thủy lợi đối với các cơ sở có xả thải vào nguồn nước thủy lợi khi đi vào hoạt động.
Phân tích sâu về vấn đề này, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng: Thứ nhất, về cấp giấy phép xả nước thải bao gồm xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi trong giai đoạn vừa qua thực chất là thừa không cần thiết. Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động đã được cơ quan quản lý nhà về bảo vệ môi trường cấp giấy phép xác nhận giấy phép về môi trường khi công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Do vậy, riêng một đối tượng nước thải xả ra môi trường của doanh nghiệp đang chịu ít nhất 2 thủ tục hành chính khác nhau. Hầu hết sẽ do 2 cơ quan hoặc ngành quản lý khác nhau. Bên cạnh đó, mặc dù căn cứ cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận nêu trên là giống nhau, nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp các yêu cầu bảo vệ môi trường được cấp giấy phép này lại chưa đồng bộ, làm cho doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) |
Thứ hai, Luật Thủy lợi quy định, quy hoạch thủy lợi chỉ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, trong khi quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch ngành quốc gia. Nếu tiếp tục quy định, có nhiều cơ quan cấp giấy phép liên quan đến hoạt động xả thải như hiện nay sẽ không đảm bảo nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước.
Thứ ba là, việc tiếp tục giao cho cơ quan quản lý công trình thủy lợi cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là phân tán đối tượng cũng như chức năng quản lý nhà nước, không áp dụng đồng bộ xuyên suốt các công cụ quản lý.
Cụ thể là, cơ quan quản lý công trình thủy lợi không phải là cơ quan thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận các hồ sơ thủ tục hành chính về môi trường của doanh nghiệp nên rất thiếu thông tin về thời điểm doanh nghiệp đi vào hoạt động và xả nước thải vào công trình thủy lợi do mình quản lý.
Pháp luật quy định, các cơ sở có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự nguyện tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên Môi trường của địa phương để theo dõi, giám sát, không truyền về cơ quan quản lý công trình thủy lợi và cơ quan này cũng không có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường nên việc phát hiện và xử phạt xả thải vượt quy chuẩn Việt Nam đối với doanh nghiệp không đảm bảo đồng bộ thường xuyên và kịp thời.
“Qua nghiên cứu, việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường không dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý công trình thủy lợi trong việc quản lý chất lượng số lượng nước công trình. Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách thu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, bởi vì quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi hiện hành cho thấy, ngành thủy lợi đang không kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước thải vào công trình thủy lợi, mà chỉ kiểm soát số lượng nguồn nước thải.” – Đại biểu Dương Tấn Quân nói.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thống nhất cao với tất cả ý kiến các đại biểu đã phát biểu hôm nay, những ý kiến đó hoàn toàn xác đáng và cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hơn. Còn việc giải quyết một số vấn đề khác biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, đây là yêu cầu của Quốc hội nhiệm kỳ XIV này của chúng ta, trong đó đòi hỏi việc chúng ta vẫn phải đảm bảo hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. |
Hiện nay, vấn đề môi trường hiện nay đang xu thế suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi vậy, nên mục của luật này phải tác động vào để chấtlượng môi trường phải đảo ngược tình huống hiện nay là ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường ở mọi nơi, mọi lúc.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, bộ luật này phải tạo ra những đột phá cần thiết nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. “Chúng ta đã hội nhập, bộ luật này phải hội nhập về vấn đề các quy định, chính sách, quy chuẩn và phải có sự thống nhất chung trong vấn đề thực hiện. Bộ luật này phải góp phần quản lý thực chất, đi vào thực chất từng mục tiêu, đối tượng quản lý, thay bằng việc quản lý từ nhận thức cho chuyển hóa được thành hành động thực chất. Chúng ta phải thông qua bộ luật này để giải quyết vấn đề cải cách các thủ tục hành chính, để tinh gọn nhưng đạt được hiệu quả, giảm các khó khăn và chi trả về triển khai thực hiện pháp luật của người dân và doanh nghiệp.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Qua ý kiến phát biểu của các vị đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định rằng đây là một dự án luật rất khó, tác động đến nhiều lĩnh vực của đối tượng và nhận được sự quan tâm của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp |
Về vấn đề giấy phép môi trường, trong đó có việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Đây là một nội dung rất quan trọng, nếu thống kê theo số liệu mà các đại biểu Quốc hội thảo luận hôm nay thì đa số đồng tình với phương án 1 là phương án thích hợp.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo lắng đến vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt của các công trình thủy lợi và vấn đề cấp phép xả nước thải thì đang được điều chỉnh tại Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi thì lại chỉnh sửa Luật Tài nguyên nước. Đây là một vấn đề cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu và sẽ báo cáo Quốc hội rõ về vấn đề này.
Theo baotainguyenmoitruong.vn