Tại Hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường năm 2019, tổ chức ngày 11&12/10 tại TP. Đà Nẵng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh: “Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, Kiến trúc hệ thống thông tin và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ quản lý, điều hành của Ngành và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp”.
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ban Cơ yếu Chính phủ…; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất quan tâm chỉ đạo và thực hiện ứng dụng có hiệu quả CNTT, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị công, cải cách hành chính và tăng cường sự giám sát của nhân dân, xây dựng chính quyền trong sạch, do dân và vì dân. Cụ thể, Bộ đã triển khai Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử với 99% văn bản của Bộ và các đơn vị trực thuộc phát hành trong nội bộ được thực hiện điện tử ký số. Bộ cũng đã hoàn thành triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ theo tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật, yêu cầu kết nối theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; đảm bảo sẵn sàng kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch tại Quyết định số 985/QĐ-TTg.
Hội nghị là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành tài nguyên và môi trường
Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đã xây dựng và cập nhật phủ Kiến trúc Chính điện tử ngành tài nguyên và môi trường phiên bản 2.0 theo định hướng của Dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam – phiên bản 2.0 và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường phiên bản 2.0 sẽ trình Bộ trưởng ban hành trong thời gian tới để làm căn cứ triển khai Chính phủ điện tử của toàn ngành.
Đồng thời, Cục đang hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu (CSDL) tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, CSDL của các địa phương, các bộ, ngành; phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, chuyên ngành, cập nhật thường xuyên, kết nối, liên thông với Chính phủ, các hệ thống thông tin, CSDL của các Bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, các đơn vị trực thuộc và ở địa phương, điển hình như: CSDL đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; CSDL về nguồn thải….
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường trong toàn Ngành về ứng dụng CNTT, đặc biệt trong triển khai các nền tảng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường ở trung ương và địa phương; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử… Bên cạnh các kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn như còn thiếu quy định pháp lý cho việc kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng dữ liệu; việc xây dựng các CSDL còn chậm, không được sử dụng, cập nhật; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp…
Do đó, Thứ trưởng yêu cầu phải kiên quyết thay đổi phương thức làm việc từ giấy tờ, thủ công sang môi trường điện tử; phân tích xử lý thông tin – dữ liệu để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho cá nhân, tổ chức được thuận tiện mọi lúc mọi nơi mà Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường phải là tiên phong thực hiện.
Theo Thứ trưởng, ngày 27/9/2019 vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng đề nghị “Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, Kiến trúc hệ thống thông tin và các hệ thống thông tin, CSDL nền tảng phục vụ quản lý, điều hành của Ngành và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp”. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị bộ phận chuyên trách quản lý lý về an toàn thông tin của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thường xuyên rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu của Ngành, nhất là các CSDL phân định, hoạch định biên giới; dữ liệu khảo sát, lưu trữ liên quan đến biển và hải đảo.
Theo monre.gov.vn