Đổi mới sáng tạo xanh là một hướng tiếp cận để thúc đẩy phát triển ở các nước trên thế giới.Việc triển khai đổi mới sáng tạo xanh sẽ là một động lực mạnh mẽ để mở rộng thị trường và phát triển kinh tế bền vững.
Chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững. Tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch. Để đạt được các mục tiêu trên, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm. Các chính sách, cơ chế, giải pháp của Việt Nam thời gian qua được tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0.
Hiện Việt Nam đã ban hành 8 luật chuyên ngành về khoa học và công nghệ. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup ecosystem) đã hình thành và phát triển nhanh, đa dạng, gồm 79 cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp, 40 tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, 138 trường đại học có không gian sáng tạo dành cho sinh viên khởi nghiệp, 291 khu công nghiệp, 4 khu công nghệ cao quốc gia…
Trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, để phát triển một nền kinh tế xanh, Việt Nam rất cần tiếp cận với các kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.
Việt Nam xác định tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045, tương ứng tỉ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% vào năm 2030 và 40% năm vào 2045.
Bên cạnh các chính sách về khí hậu và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng và triển khai các chính sách nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó xác định, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Có thể nói, chủ trương xanh hóa nền kinh tế Việt Nam luôn cần song hành cùng tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, môi trường với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến từ AI, Blockchain, IoT… trong việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ thông minh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Xu thế dịch chuyển chính sách trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các nước trên thế giới đặt ra yêu cầu về môi trường trong thương mại quốc tế, hội nhập ngày càng cao. Xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi sáng tạo xanh, Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ được nhiều quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường trên bình diện quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo đạt được các yêu cầu, cam kết và nghĩa vụ đã ký kết, thỏa thuận; trong đó có cam kết theo các FTA thế hệ mới, Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, các cam kết tại Hội nghị COP 26, COP 27, Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 15/01/2021 phê duyệt chủ trương Việt Nam ủng hộ Cam kết của các nhà Lãnh đạo thế giới về Thiên nhiên nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc;… Điều này vừa là thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời cũng đặt ra những thách thức, áp lực không nhỏ về yêu cầu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT, giữ gìn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra định hướng “Xây dựng nền kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn (KTTH) thân thiện với môi trường”. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 cũng nhấn mạnh: “Phát triển mô hình Kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng”. Ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 của ngành tài nguyên và môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được ban hành tại Quyết định số 3756/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 12 năm 2018. Với mục tiêu thực hiện thành công các SDGs ngành tài nguyên và môi trường năm 2030, Kế hoạch hành động đã đề ra 17 mục tiêu phân thành 6 nhóm lĩnh vực đi kèm với 40 chỉ tiêu cụ thể để giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu. Lộ trình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu SDGs ngành tài nguyên và môi trường được quy định theo các mốc thời gian thực hiện SDGs quốc gia cũng như của LHQ là năm 2020, 2025 và 2030.
Đổi mới sáng tạo xanh và xu hướng trên thế giới
Đổi mới sáng tạo xanh là một hướng tiếp cận để thúc đẩy phát triển ở các nước trên thế giới.Việc triển khai đổi mới sáng tạo xanh sẽ là một động lực mạnh mẽ để mở rộng thị trường và phát triển kinh tế bền vững.
Về cơ bản, những chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo có cả 2 mặt: mặt cung ứng các yếu tố “sức đẩy công nghệ” để làm giảm chi phí sáng tạo ra tri thức trước khi thương mại hóa, và mặt nhu cầu các yếu tố “sức kéo thị trường” nâng cao lợi nhuận ròng từ bán hàng sau khi thương mại hóa. Việc khuyến khích những đổi mới phù hợp sẽ đòi hỏi sử dụng nhiều ưu đãi mà ảnh hưởng đến việc đầu tư cả về chi phi lẫn doanh thu.
Đổi mới sáng tạo có thể tạo ra Công nghệ mới một cách đơn giản hơn, ngay cả ở những nước mà khả năng công nghệ chỉ ở mức trung bình, miễn là có sự hợp tác của các doanh nghiệp có khả năng công nghệ phù hợp, lý tưởng nhất là được hỗ trợ bởi hệ thống giáo dục chất lượng cao sẽ mang đến chi phí lợi ích hỗ trợ công đủ lớn để đảm bảo chi phí cho các nguồn lực công khan hiếm theo các cách sử dụng luân phiên. Các nước có khả năng công nghệ yếu kém và không có lợi thế cạnh trạnh trong tạo ra các đổi mới sáng tạo thì không nên tập trung quá nguồn lực công quan trọng cho mục tiêu này. Tuy nhiên, do tính toàn cầu của các lợi ích từ sáng kiến xanh, việc sử dụng nguồn lực nhà nước ổn định và lâu dài vào nghiên cứu và phát triển cần được tăng cường và chuyển vào các chương trình tạo điều kiện cho sự phát triển và áp dụng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh đất nước đang phát triển.
Tăng trưởng xanh và sáng tạo đổi mới xanh có tính toàn cầu cũng như quốc gia. Thực tế là, đổi mới diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu hóa (dọc theo chuỗi giá trị toàn cầu), mặt khác, những ảnh hưởng từ bên ngoài của các yếu tố tiêu cực toàn cầu do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường nên việc sáng tạo và phổ biến các sáng tạo xanh không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hoặc khu vực duy nhất.
Sự phát triển và phổ biến các sáng kiến xanh ở cấp thế giới đòi hỏi sự hợp tác quốc tế trong một loạt các lĩnh vực chính sách, đặc biệt là các quy định về môi trường. Trong khi nhiều cuộc thảo luận vẫn tập trung vào các vấn đề như giảm phát thải toàn cầu, các biện pháp chính sách và thị trường để đạt được điều này, thì cần nhắc lại rằng đối với nhiều nước đang hội nhập và phát triển, chính sách tập trung ở các vấn đề phát triển kinh tế, ví dụ như nghèo đói, năng lượng, an ninh lương thực và tiếp cận nguồn nước. Trong nhiều trường hợp, điều này làm cho các nước đó bị phụ thuộc vào việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đổi mới sáng tạo xanh có thể giúp những nước này đạt được mục tiêu phát triển trong khi vẫn giữ được trữ lượng và mức độ xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo xanh còn gặp nhiều khó khăn: nguồn vốn và công nghệ hạn chế; các lợi ích và gánh nặng không cân xứng với nhau; thiếu sự tham gia do không có đủ ưu đãi cho từng quốc gia …
Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh và kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Một là, cần ưu tiên tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục và nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng, bao gồm việc xây dựng và triển khai các chiến dịch truyền thông; tổ chức các cuộc thi, triển lãm, hội thảo về đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn; tích hợp đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn vào giáo dục và đào tạo; xây dựng các tài liệu hướng dẫn; kịp thời khen thưởng và biểu dương các tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn.
Hai là, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn (đặc biệt ưu tiên để phát huy vai trò, tính hiệu lực, hiệu quả của các công cụ chính sách đã được quy định trong pháp luật BVMT và pháp luật khác có liên quan), bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng; các chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển; chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, và Kinh tế tuần hoàn; các công cụ chính sách khác và các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và Kinh tế tuần hoàn.
Ba là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thành quả của KHCN và Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, gắn với áp dụng KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải; tạo dựng ngày càng nhiều các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao và thân thiện vớia môi trường.
Trong đó, tập trung vào hướng dẫn thiết kế sinh thái, thiết kế để áp dụng chuyển đổi sáng tạo xanh trong Kinh tế tuần hoàn với các lĩnh vực tiềm năng như nông lâm ngư nghiệp, khai khoáng và năng lượng; công nghiệp chế biến chế tạo (thực phẩm, dệt may, hóa chất, điện tử, …); khu công nghiệp và khu đô thị. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện Kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, xem chất thải là tài nguyên trong mọi quá trình sản xuất, kinh doanh; từng bước phát triển thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến Kinh tế tuần hoàn (nguyên vật liệu thứ cấp, dịch vụ thiết kế sinh thái,…); phát triển ngày càng nhiều các mô hình tiên tiến, điển hình trên thực tiễn.
Bốn là, khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn, bao gồm việc tham gia vào các diễn đàn, mạng lưới, sáng kiến về đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn; huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ; trao đổi kinh nghiệm và học tập các mô hình tốt từ các quốc gia tiên tiến trong đổi mới sáng tạo xanh, Kinh tế tuần hoàn.
Ngoài vai trò trọng tâm của cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong thúc đẩy thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và Kinh tế tuần hoàn thì cũng cần lưu ý đến các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.
Nguồn: monre.gov.vn