(TN&MT) – Nhằm hỗ trợ các chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh phí đầu tư xây dựng các công trình ngoài dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định quy định biện pháp thi hành Nghị quyết số 236/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, đối với các công trình hạ tầng ngoài dự án khu xử lý rác thải sinh hoạt (đường giao thông, hệ thống thoát nước). Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố tự cân đối thêm 50% kinh phí trong nguồn kinh phí của huyện để thanh toán trực tiếp cho Nhà đầu tư. Tuy nhiên việc sử dụng ngân sách của các huyện để thanh toán cho Nhà đầu tư phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách hàng năm.
Chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2025 |
Căn cứ quy hoạch quản lý chất thải rắn và tình hình đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các đơn vị thực hiện. Theo đó, quy trình bao gồm: UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn các đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Sau đó, lập dự toán kinh phí hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo mức hỗ trợ quy định, báo cáo UBND tỉnh và gửi Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật để bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của huyện, thị xã, thành phố.
Cụ thể, đối với các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt có hệ thống cân trực tiếp khối lượng thực tế, giá trị thanh toán được tính theo khối lượng thực tế nhân với mức giá ghi trong hợp đồng xử lý của UBND huyện, thị xã, thành phố với đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Đối với khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt không có hệ thống cân trực tiếp, giá trị thanh toán được tính theo định mức phát thải bình quân đầu người nhân với mức giá ghi trong hợp đồng xử lý của UBND huyện, thị xã, thành phố với đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, đơn vị liên quan kiểm tra đánh giá các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước khi đi vào hoạt động chính thức. Kiểm tra, giám sát các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thẩm định xác nhận các công trình đủ điều kiện về bảo vệ môi trường làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ chi phí xử lý.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố giám sát, kiểm tra hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt của dự án trên địa bàn mình quản lý; xác nhận khối lượng chất thải sinh hoạt được xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hồ sơ đề nghị thanh toán xử lý chất thải rắn sinh hoạt của đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đồng thời, các nhà đầu tư và đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đầu tư công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng tiến độ đã cam kết với UBND tỉnh; Vận hành khu xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường; Lập hồ sơ khối lượng xử lý chất thải rắn đã được xử lý trình UBND huyện, thị xã, thành phố thẩm định, xác nhận.