Từ các loại rác thải khó tiêu hủy ngày càng có nhiều ý tưởng hay trong việc tái chế thành những vật dụng hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường.
Sản phẩm bê tông từ rác thải nhựa
Đam mê với các nghiên cứu thử nghiệm, về nghỉ hưu, Kỹ sư ngành Điện Nguyễn Văn Xuân (quê ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã tự nghiên cứu các phương pháp nhiệt phân, hóa dẻo, bê tông… để thực hiện ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành vật dụng có ích.
Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông Xuân đã thành công tái chế các loại rác thải khó tiêu hủy bằng biện pháp “bê tông hóa”. Công thức của ông là kết hợp các hạt nhựa cùng bê tông được sản xuất từ xi măng, cát, đá, cốt liệu, nước… cộng thêm chất phụ gia phù hợp để kết nối các vật liệu với nhau.
Điểm mấu chốt của phương pháp này làm bê tông từ rác thải nhựa mà không gây ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đã được xử lý nguội bằng nghiền nát. Bởi máy nghiền có thể xử lý mọi loại rác thải nhựa mà không phải phân loại như những phương pháp tái chế nóng khác. Hơn nữa, theo tính toán của ông Xuân, chi phí để làm ra sản phẩm tái chế từ nhựa rẻ hơn từ 20 – 30% so với những vật dụng được làm bằng bê tông 100%.
Ngoài các sản phẩm bê tông từ rác nhựa, ông Xuân còn điều chế dầu diesel bằng phương pháp nhiệt phân rác. Loại dầu này đã xong quy trình thử nghiệm và đang cho chạy thử các loại máy nổ, động cơ tốc độ thấp.
Đánh giá cao những sản phẩm tái chế của ông Xuân, Tỉnh đoàn Khánh Hòa thực hiện công trình thanh niên “ghế đá bê tông từ rác thải nhựa”. Sắp tới, sẽ thực hiện nhiều công trình, vì đây là việc làm ý nghĩa về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Trước mắt sẽ thực hiện đoạn đường bê tông từ rác thải nhựa (dài 11m rộng 2m) – đoạn nối vỉa hè đường Trần Phú ra biển.
Ghế làm từ rác thải nhựa của ông Xuân được sử dụng ở Tp Nha Trang (Ảnh: Tiền Phong)
Tạo ra vật dụng thủ công hữu ích từ dây buộc gạch
Sợi dây nhựa dùng để buộc gạch sau khi sử dụng tưởng chừng chỉ là thứ bỏ đi. Nhưng qua bàn tay khéo léo và sáng tạo của ông Nguyễn Văn Lẹ (quê ở Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) lại được tái chế thành những vật dụng xinh xắn và vô cùng hữu ích.
Sẵn có kinh nghiệm từ nghề đan lát, sau khi gom nhặt những sợi dây nhựa buộc gạch từ các công trình xây dựng, rửa sạch rồi phơi khô, ông đem phân loại và tái chế. Với những sợi dây lành lặn, có màu sắc đẹp thì ông đan thành các vật dụng trong nhà như: giỏ, sọt, rổ đựng đồ. Còn những sợi đã hỏng nhiều thì ông đan thành những chậu đựng cây, hoa cảnh.
Các sản phẩm được tái chế từ tây nhựa buộc gạch có độ cứng, chắc chắn, thích hợp dùng làm nguyên liệu thay thế tre, trúc để đan thành sản phẩm thủ công, độ bền lại không thua kém.
Minh họa bài giảng bằng rác tái chế
Thầy Nguyễn Hữu Quyết thuyết trình về các sáng kiến giáo dục bền vững từ rác thải tái chế (Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị)
Là giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân, nhưng thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết, (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại đam mê thiết kế các mô hình minh họa bài giảng sản từ rác thải tái chế.
Hầu hết các môn học trong trường như: ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, sinh học… đều được thầy Nguyễn Hữu Quyết sáng tạo mô hình trực quan từ rác.
Sau hơn 2 năm thực hiện dự án “Bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải cho học sinh phổ thông” tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đến nay trường đã có hơn 50 mô hình dạy học cho nhiều môn. Bảo tàng mini trở thành kênh giáo dục thay đổi nhận thức về rác thải cho học sinh trong toàn trường.
Quan trọng hơn, các mô hình giúp học sinh tiếp cận tri thức trực quan, sinh động, chấm dứt những bài thuyết minh một chiều và giúp nhà trường tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị dạy học. Đặc biệt, việc tạo ra các mô hình từ rác thải tái chế góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức, hành vi, thái độ cho học sinh trước thực tiễn biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nguồn: monre.gov.vn