(TN&MT) – UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND, quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.
Theo đó, đối tượng áp dụng quy định là hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả người nước ngoài); các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, gồm: Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (kể cả tổ chức nước ngoài) trên địa bàn tỉnh có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.
Cùng với đó là các cơ sở tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo theo 6 nguyên tắc. Trong đó, phải xác định quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt;
Chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải rắn sinh hoạt; Hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có trách nhiệm và nghĩa vụ phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
Cơ sở vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở vận chuyển khác đảm bảo quy định để vận chuyển;
Ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện với môi trường, có thu hồi năng lượng và thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt; không đầu tư mới công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ bằng hình thức chôn lấp trực tiếp….
Quyết định cũng quy định chi tiết về việc phân loại, lưu giữ, tập kết, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải. Trách nhiệm, quyền hạn của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải phải được thực hiện từ ngày 31/12/2024.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, để đảm bảo công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, đồng thời thu hút các nguồn lực hợp pháp nhằm xã hội hoá công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật, Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và tình hình thực tiễn tại địa phương, cho thấy tính chất tương đồng về biện pháp quản lý đối với chất thải rắn sinh hoạt và chất thải cồng kềnh.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích hợp nội dung của 3 quy định được UBND tỉnh giao xây dựng tại Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 7/1/2021 về quy định chi tiết các nội dung được Luật giao; Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 17/6/2021 về sửa đổi Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 7/1/2021 của UBND tỉnh thành 1 quy định với tên gọi: “Quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La”.
Sau khi xây dựng Dự thảo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã 2 lần xin ý kiến các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội; UBND các huyện và thành phố. Đồng thời, đề nghị các địa phương phối hợp xin ý kiến các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn và đăng tải Dự thảo trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh.
Qua đó, đã ghi nhận 23 ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; trên 110.000 ý kiến của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đây là cơ sở quan trọng để Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo.
Việc ban hành Quy định này đã góp phần hệ thống hóa các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Giúp các chủ nguồn thải, chủ đầu tư, chủ xử lý, vận chuyển nắm bắt đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương về bảo vệ môi trường trong quản lý, vận chuyển chất thải rắn để chủ động chấp hành.
Đặc biệt, đã quy định cụ thể trách nhiệm của các các sở, ban ngành, UBND các cấp trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chính sách ưu đãi, hỗ trợ quản lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững tỉnh Sơn La.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn