CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Sơn La phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường niên vụ nông sản 2023 – 2024

0

(TN&MT) – Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời điểm bước vào niên vụ chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La. Chủ động bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các địa phương triển khai nhiều nhóm giải pháp thiết thực để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm.

Nâng hiệu quả kiểm tra, giám sát

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, qua rà soát tại các huyện, thành phố, niên vụ năm nay, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 32.000 tấn cà phê nhân; sản lượng mía ước đạt gần 700.000 tấn; sản lượng sắn ước đạt trên 530.000 tấn; sản lượng dong giềng hơn 34.000 tấn.

a1.jpeg
Đoàn liên ngành tỉnh Sơn La giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại Nhà máy Mía đường Sơn La.

Chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm, tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản, kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1998/QĐ-UBND, thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản niên vụ 2023 – 2024. Trên cơ sở đó, Tổ trưởng Tổ công tác đã thành lập 3 Đoàn giám sát, trong đó, Đoàn số 1 giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; Đoàn số 2 giám sát với 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn và 1 cơ sở mía đường; Đoàn số 3 giám sát 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn.

Hiện nay, 4 cơ sở chế biến cà phê, 2 cơ sở chế biến tinh bột sắn đã đi vào hoạt động sản xuất. Các đoàn giám sát đã tổ chức giám sát, đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định. Hoạt động giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất từ tháng 9/2023 đến hết tháng 5/2024.

Tăng cường trách nhiệm các địa phương

Tại các địa phương, UBND các huyện, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, các xã, phường, thị trấn triển khai công tác bảo vệ môi trường với hoạt động sơ chế, chế biến nông sản. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Duy trì, kiện toàn các Đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện để kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn quản lý.

img_4697.jpeg
Hoạt động giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất từ tháng 9/2023 đến hết tháng 5/2024.

Là địa phương có sản lượng nông sản lớn, năm nay, sản lượng cà phê quả tươi trên địa bàn huyện Mai Sơn ước đạt hơn 95.000 tấn; có 145 hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi tại 7 xã gồm: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Lương, Nà Ớt, Chiềng Chung.

UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2023-2024. Đến nay, đa số các cơ sở chưa hoạt động sơ chế cà phê với lý do chất lượng hạt cà phê không đạt, giá cà phê quả tươi cao, sơ chế thua lỗ; một số hộ tại xã Chiềng Ban, Chiềng Mung có thu mua về sơ chế nhưng không thường xuyên; một số hộ sơ chế cà phê của gia đình, cơ bản nước thải được thu gom, lưu chứa tại các hồ chứa. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lén xả nước thải ra rãnh, mương thoát nước chung.

Còn tại thành phố Sơn La, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn. Chỉ đạo các xã, phường rà soát, lập danh sách thống kê làm cơ sở kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của toàn bộ các cơ sở xay xát, sơ chế, chế biến cà phê, nông sản. Yêu cầu tất cả các cơ sở ký cam kết với Chủ tịch UBND cấp xã về thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường. Qua rà soát, hiện, toàn thành phố chưa có cơ sở sơ chế nhỏ lẻ nào đủ điều kiện hoạt động.

Niên vụ năm nay, huyện Thuận Châu có 10/11 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê. Các cơ sở đã lắp đặt hệ thống camera giám sát kết nối về phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để theo dõi; đồng thời, đã xây dựng hệ thống bể chứa thu gom, xử lý nước thải sản xuất theo quy định.

Tại huyện Sốp Cộp, các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tươi hoạt động chủ yếu quy mô hộ gia đình. Công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước cơ bản được thực hiện nghiêm. Các cơ sở đã đào hố lót bạt để thu gom, xử lý nước thải từ quá trình sơ chế, chế biến cà phê. Bã, vỏ cà phê sau khi xát được thu gom phơi khô và vận chuyển lên nương rẫy của gia đình làm phân bón cho cây trồng. Không xảy ra hiện tượng tồn đọng nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cộng đồng, khu dân cư. Đối với hoạt động sơ chế, chế biến sắn tươi, các cơ sở tiến hành thu mua sắn tươi, thái lát, phơi khô và bán lại cho các thương lái. Quá trình thu mua, phơi khô sắn không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Quyết tâm không để tái diễn ô nhiễm

Bà Lê Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Từ năm 2021 trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cấp huyện, xã, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước trong hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá rõ nét và chuyển biến tích cực. Các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung cơ bản chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nghiêm hoạt động kiểm tra, giám sát.

Thời gian tới, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung; đảm bảo các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục duy trì giám sát với các cơ sở qua hệ thống camera giám sát, truyền trực tiếp hình ảnh qua app điện thoại về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, đảm bảo quá trình giám sát 24/24h trong suốt niên vụ.

UBND tỉnh giao các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chế biến nông sản. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân. Vận động nhân dân tích cực, mạnh dạn đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn, khí thải…), công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Chỉ đạo UBND cấp xã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động chế biến cà phê, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, công trình biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động, đặc biệt tập trung vào khoảng thời gian từ 18h đến 5h sáng ngày hôm sau. Trường hợp phát hiện các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, thực hiện đình chỉ và xử lý nghiêm theo quy định. Kiên quyết không để phát sinh cơ sở không đảm bảo về môi trường hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và cuộc sống người dân.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.