Ngày 8/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1352/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Quan điểm của Quy hoạch: (i) Xây dựng và thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (ii) Áp dụng xuyên suốt quan điểm bảo tồn vị nhân sinh, bảo tồn để phát triển; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững; (iii) Kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; chú trọng phục hồi, nâng cao chất lượng các đối tượng quy hoạch đang bị suy thoái; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; (iv) Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nguồn vốn tự nhiên cho phát triển bền vững đất nước; tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; (v) Thống nhất theo các tiêu chí của Luật Đa dạng sinh học trên cơ sở phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học hiện có; (vi) Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong việc triển khai quy hoạch, quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học; (vii) Huy động tối đa các nguồn lực xã hội; tăng cường các biện pháp dựa vào thiên nhiên, phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học phục vụ bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch: Gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý và bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch: (i) Mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên; chuyể n tiếp 178 khu bảo tồn hiện có (trong đó chuyển hạng 07, mở rộng 27 khu bảo tồn); thành lập mới 61 khu bảo tồn; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha; (ii) Củng cố và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng; chuyển tiếp 13 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hiện có, cấp giấy chứng nhận 09 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển tiếp 03 hành lang đa dạng sinh học hiện có, hình thành 07 hành lang đa dạng sinh học; hình thành 10 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia; (iii) Hình thành hệ thống khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng gồm 22 khu vực đa dạng sinh học cao với tổng diện tích khoảng 2 triệu ha, 10 cảnh quan sinh thái quan trọng với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha.
Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch: (i) Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm, các nguồn gen có giá trị bảo tồn được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước; (ii) Bố trí định hướng không gian cho bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với định hướng sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội góp phần bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên đối với phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy, tăng cường sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái; phát triển đa dạng sinh học đô thị, bảo đảm các chỉ tiêu về không gian xanh, chỉ tiêu về cây xanh đô thị, xây dựng hệ thống các khu vực đa dạng sinh học đô thị.
Định hướng Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 – 2030 theo 08 vùng sinh thái trên phạm vi cả nước gồm: Vùng Đông Bắc; vùng Tây Bắc; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, trong mỗi vùng, Quy hoạch đã xác định số lượng, diện tích các khu bảo tồn chuyển tiếp, thành lập mới; số lượng cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được chuyển tiếp, cấp giấy chứng nhận; nâng cấp, phát triển, cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đối với các vườn thực vật, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, vườn cây thuốc, ngân hàng gen, cơ sở bảo tồn trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên; các hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng được hình thành.
Dự án ưu tiên đầu tư thực hiện Quy hoạch: Thủ tướng Chính phủ đã xác định danh mục dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư thực hiện Quy hoạch với 02 nhiệm vụ về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và 06 dự án về thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng.
Giải pháp thực hiện Quy hoạch: Để thực hiện Quy hoạch, các giải pháp được triển khai bao gồm giải pháp về cơ chế, chính sách; khoa học và công nghệ; đào tạo, tăng cường năng lực; tài chính, đầu tư; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hợp tác quốc tế; bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng biến đổi khí hậu và tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Trong đó đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, tập trung nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tăng cường năng lực và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát huy giá trị đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá và tri thức của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá.
Tổ chức thực hiện Quy hoạch: Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành khác) và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Quy hoạch.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: (i)- Tổ chức công bố Quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; (ii) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch, các dự án ưu tiên thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, đề xuất điều chỉnh theo quy định; (iii) Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập các đối tượng thuộc Quy hoạch nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên theo quy định của pháp luật; (iv) Hướng dẫn việc thành lập và quản lý khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, hành lang đa dạng sinh học.
Trích nguồn nbca.gov.vn