Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang xây dựng đề án phát triển vùng Tam Giang- Cầu Hai thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á và trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia” có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.
Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trải dài hơn 128 km dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và rộng từ 1- 10 km; bao gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc địa phận TP. Huế và 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Tổng diện tích đất tự nhiên và mặt nước khoảng 1.024 km2 (chiếm 21% diện tích tự nhiên tỉnh), với dân số trên 332 nghìn người (chiếm 29% dân số tỉnh). Trong đó, tiêu biểu là hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với chiều dài hơn 70 km, diện tích mặt nước rộng trên 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; cùng với đầm Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô và một phần Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thuộc phạm vi của đề án Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đề ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, đầm phá quốc gia.
Vì vậy, việc xây dựng đề án “Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất quan trọng, cần thiết, đảm bảo phù hợp với giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, đề án có phạm vi không gian gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc TP. Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc, nhằm mục tiêu xây dựng vùng Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ, đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước. Qua đó, đưa vùng Tam Giang- Cầu Hai thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á và trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia” có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.
Đề án đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, như: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; phát triển hệ thống cảng biển, trung tâm logistics; phát triển thủy sản với diện tích nuôi trồng ổn định khoảng 6.000 ha; phát triển nền nông nghiệp sinh thái phù hợp với đặc thù của vùng; phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung tại các cụm cảng biển, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tại vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á này sẽ xây dựng từ 2 – 5 khu rừng ngập mặn để bảo vệ đa dạng sinh học, tăng nguồn lợi thủy sản, các loại chim, kết hợp du lịch trải nghiệm; thành lập Khu bảo tồn sinh vật biển Hải Vân – Sơn Chà; thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai; nâng cấp Khu bảo tàng thiên nhiên vùng duyên hải miền Trung. Ngoài ra, đề án đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế ở khu vực này.
Đề án đưa ra 5 chương trình trọng điểm để thực hiện, gồm: Chương trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; chương trình phát triển thủy sản gắn với bảo tồn gen và bảo vệ môi trường; chương trình phát triển du lịch, dịch vụ vùng đầm phá; chương trình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; chương trình phát triển hạ tầng đô thị và các khu đô thị vùng đầm phá.
Nhu cầu vốn đầu tư thực hiện đề án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021- 2025 từ 50.000 đến 60.000 tỷ đồng (bình quân 10.000 đến 12.000 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2026- 2030 từ 100.000 đến 110.000 tỷ đồng (bình quân thời kỳ 20.000 đến 22.000 tỷ đồng /năm).
Tháng 3 vừa qua, Ban kinh tế- ngân sách HĐND tỉnh đã thẩm tra nội dung về đề án. Đại diện lãnh đạo các địa phương và các cơ quan liên quan đã góp ý, kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung những giải pháp để đề án mang tính thực tiễn, đưa đến hiệu quả cao hơn.
Cụ thể như, về phạm vi Đề án, nghiên cứu lại việc đưa các địa phương cấp xã thuộc Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Về hạ tầng, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường Đông phá Tam Giang, đường Tây phá Tam Giang nhằm tăng kết nối từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc; đầu tư hạ tầng nuôi trồng sản xuất thuỷ sản; hạ tầng phát triển đô thị dọc phá Tam Giang, lập đồ án quy hoạch chung vùng phá,… Về cơ chế chính sách, nghiên cứu thực hiện chính sách “treo thuyền”, hỗ trợ chuyển đổi nghề, sắp xếp nò sáo, cọc nuôi hàu trên các khu vực đầm phá…
Ông Nguyễn Quang Tuấn, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND, lãnh đạo chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản theo thẩm quyền; chủ động xây dựng các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế, quốc phòng, an ninh; chủ động cân đối nguồn lực để bố trí đầu tư cho hạ tầng phát triển sản xuất, hạ tầng phát triển đô thị của địa phương; tăng cường công tác phối hợp với các địa phương giáp ranh trong quản lý chung,…; các sở, ban, ngành liên quan cần chủ động hơn nữa trong công tác quản lý lĩnh vực, ngành phụ trách, xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, định hướng liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Trích nguồn: baotainguyenmoitruong.vn