CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững

0

(TN&MT) – Ngày 13/10, tại Hà Nội, 3 doanh nghiệp đạt thành tích cao nhất trong chương trình Sáng kiến môi trường- xã hội – quản trị (ESG) Việt Nam 2023 đã được công bố tại Diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững”. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân (IPSC) do USAID tài trợ.

Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 là một trong những nỗ lực góp phần thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Sáng kiến tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có các cách tiếp cận và giải pháp loại bỏ lãng phí và ô nhiễm tại nguồn; giúp giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo quy định về mô hình kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

z4779423554102_259059af1af77fb7435a19a247628475.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn

Sáng kiến cũng hướng tới các mô hình kinh doanh bao trùm, huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho người thu nhập thấp có thể thương mại hóa và tạo ra các giá trị chia sẻ.

Vượt qua 150 hồ sơ đăng ký từ các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên cả nước, top 3 doanh nghiệp chiến thắng chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 là: Công ty cổ phần HHP Global; Công ty cổ phần Vietnam Food và Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam. Top 3 doanh nghiệp chiến thắng chung cuộc được công bố tại Diễn đàn hôm nay sẽ nhận được các hỗ trợ có tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng để thí điểm triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao sự chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tiên phong đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp; đặc biệt là sự chủ động ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững và cam kết giảm mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

z4779415053999_c898cee6d41ebf571b4a5bc72220ad9a.jpg
Tổng kết và trao giải “Sáng kiến ESG Việt Nam 2023”

Thứ trướng Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Cộng đồng doanh nghiệp cần mạnh dạn, chủ động có các giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, tận dụng và nắm bắt thời cơ để đưa doanh nghiệp lớn mạnh, góp phần chung vào phát triển đất nước. Các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ… nhằm nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp do mình làm chủ, tăng cường liên kết để nâng tầm vị thế sản phẩm Việt, chủ động tham gia chuỗi giá trị bền vững”.

Theo bà Aler Grubbs – Giám đốc USAID Việt Nam, thời gian qua, Dự án IPSC đã hỗ trợ đào tạo hơn 3.000 doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển, giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý và khả năng tiếp cận công nghệ, tăng cường hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển về kinh tế Việt Nam. Bà đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam có vai trò tiên phong và đã đưa sản phẩn “made by Viet Nam” vươn ra thế giới và khu vực. “Những doanh nghiệp này có nhiều sáng kiến tuyệt vời để hướng tới phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu chống suy thoái môi trường và chống biến đối khí hậu”, bà Alerr Grubbs nhấn mạnh.

z4779415059384_dee3301c042d19602238232015bedf8f.jpg
Lễ trao biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án USAID IPSC cùng các doanh nghiệp tiên phong

Để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn mới và hướng đến tính bền vững và bao trùm. Chia sẻ về một số kết quả đã đạt được, ông Mark Birnbaum, Giám đốc Dự án IPSC của USAID, cho biết về vấn đề xây dựng năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGB), hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia các hoạt động đào tạo, huấn luyện 1-1 và tham gia các sự kiện kết nối thị trường để gia tăng doanh số bán hàng. Trong số đó, 1.506 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; 82% đoanh nghiệp đã áp dụng kiến thức và kỹ năng từ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Dự án IPSC và nâng cao năng lực cạnh tranh; và 47 doanh nghiệp tiếp cận thành công khách hàng mới trên thị trường quốc tế.

Cùng với thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và thực hành khung đánh giá ESG, 22 doanh nghiệp tiên phong đã được lựa chọn từ 600 hồ sơ doanh nghiệp để nhận gói hỗ trợ được thiết kế riêng với tổng giá trị lên tới 150.000 đô la Mỹ (tuỳ theo quy mô, nhu cầu, năng lực và cam kết của doanh nghiệp). Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Dự án cho doanh nghiệp tiên phong có sự đồng hành của các bên liên quan và tập trung vào: xây dựng chiến lược tổng thể (bao gồm chiến lược định vị thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế); nghiên cứu và phát triển thị trường mục tiêu; hỗ trợ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt; và hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp.

z4779723824684_831f832348d2a11a414f9f8b8520c033.jpg
Tọa đàm các daonh nghiệp tiên phong phát triển bền vững

Trong khuôn khổ sự kiện, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án USAID IPSC cùng các doanh nghiệp tiên phong đã trao Biên bản thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, chuyên gia về động lực, lợi ích và giá trị trong việc tiên phong “dấn thân” phát triển chuỗi cung ứng và dẫn dắt sự phát triển bền vững./.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.