CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Nghiên cứu xử lý ô nhiễm chất hữu cơ

0

Ô nhiễm chất hữu cơ và phát tán mùi hôi tại các sông, hồ trong là một vấn đề môi trường của các đô thị, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.

* Mùi hôi đến từ đâu?

Theo báo cáo Môi trường quốc gia, phần lớn các hồ nội thành, nội thị ở các đô thị đều bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Tại 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, mức độ ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng là vấn đề đã xảy ra nhiều năm và chưa có nhiều cải thiện.

Một số sông, kênh gặp vấn đề này nhiều năm qua là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét (Hà Nội) và kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Ba Bò, kênh Tham Lương (Tp. Hồ Chí Minh).

Vậy ô nhiễm chất hữu cơ và phát sinh mùi hôi là nguyên do từ đâu? Qua quan trắc nguồn nước mặt tại các sông hồ này, các chỉ số thể hiện ô nhiễm chất hữu cơ là BOD5, COD, chất dinh dưỡng (Amoni) đều vượt chuẩn.

Nguyên nhân chủ yếu là do các khu vực này phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải từ một số cơ sở sản xuất trong nội đô… chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm sông, hồ, kênh rạch nội thành nghiêm trọng nhất.

Đơn cử như TP Hà Nội, mỗi năm, lượng chất thải thải ra các sông ngòi, ao hồ tự nhiên là 3.600 tấn hữu cơ, 317 tấn dầu mỡ, hàng chục tấn kim loại năng, dung môi cùng nhiều kim loại khác. Nước thải của Hà Nội chủ yếu được thải vào một số sông – hồ chính như : Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, sông Tô lịch… bốc mùi hôi thối và rất khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người dân sống xung quanh hồ và dọc theo các con sông, số còn lại ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt tại một số nơi trên địa bàn TP Hà Nội.

Còn mùi hôi có nguyên nhân từ sự phát sinh khí hydro sunfua (H2S). Loại khí này có khả năng ăn mòn vật liệu bê tông và sắt. Ngoài ra, khí H2S phát tán gây mùi hôi ra môi trường. Con người có thể phát hiện ra mùi khó chịu của khí H2S khi nồng độ ở mức 0,3 ppm và bị ảnh hưởng hoàn toàn khi nồng độ 3 pmm, trong nước sông Tô Lịch hàm lượng hydro sunfua 5,32 mg/l thì mức độ phát tán khí H2S là 2. 828 mg/m/h.

Trong khi đó từ trước đến nay chúng ta chưa thật thực sự chú ý đến việc kiểm soát sự hình thành H2S cũng như hạn chế sự phát tán ra môi trường bên ngoài và sự xâm thực công trình của nó. Vì vậy cần thiết có các giải pháp từ kìm hãm sự hình thành H2S trong nước thải, hạn chế việc phát tán khí đó ra môi trường.

 Ô nhiễm chất hữu cơ và phát sinh mùi hôi tại các dòng sông

* Tìm giải pháp

Trước thực trạng này, Tổng cục Môi trường đang thực hiện đề tài nhằm nghiên cứu, tìm ra các giải pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm chất hữu cơ và giảm thiểu phát sinh khí gây mùi (sunfua) trong nước sông nội đô ở miền Bắc Việt Nam.

Việc nghiên cứu sẽ xác lập được cơ sở khoa học và thực tiễn xử lý giảm thiểu phát sinh khí gây mùi (sunfua) từ nước sông và kết hợp giảm ô nhiễm chất hữu cơ trong nước sông nội đô miền Bắc Việt Nam, tập trung vào lưu vực sông Nhuệ – Đáy và lưu vực sông Cầu; đề xuất được giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm xử lý giảm thiểu phát sinh khí gây mùi (sunfua) từ nước sông và kết hợp giảm ô nhiễm chất hữu cơ trong nước sông nội đô miền Bắc Việt Nam, tập trung vào lưu vực sông Nhuệ – Đáy và lưu vực sông Cầu.

Đề tài sẽ tập trung đánh giá tổng quan các vấn đề nghiên cứu; đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông nội đô miền Bắc Việt Nam; điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá chất lượng nước thải theo các nguồn ô nhiễm; Nghiên cứu các giải pháp xử lý nước sông giảm thiểu ô nhiễm CHC và giảm phát sinh khí gây mùi bằng các chất ô xy hóa khác nhau; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật xử lý nước sông giảm thiểu ô nhiễm CHC và giảm phát sinh khí gây mùi bằng giải pháp cung cấp ô xy ở các độ sâu khác nhau; tính toán lượng phát sinh khí gây mùi (sunfua) tại các sông nội đô thành phố Hà Nội làm căn cứ đề xuất giải pháp giảm thiểu; đề xuất giải pháp kỹ thuật xử lý giảm thiểu ô nhiễm CHC và giảm phát sinh khí gây mùi (sunfua) trong nước sông nội đô.

Trước hiện trạng ô nhiễm chất hữu cơ của các dòng sông nội đô miền Bắc Việt Nam, trong khi việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung hay quản lý chất lượng nước đầu ra từ các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hay hộ gia đình, cá nhân là hết sức khó khăn. Vì vậy, việc nghiên cứu để có thể đưa ra giải pháp kỹ thuật giảm ô nhiễm phù hợp với đặc điểm hệ thống thoát nước phân tán của các thành phố là hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện tại.

Theo Monre.gov.vn(M.Chi)

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.