CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, QUAN TRẮC ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Ngày Môi trường Thế giới 2024: Lời kêu gọi “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”

0

Với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience), Ngày Môi trường thế giới năm 2024 kêu gọi các quốc gia chung tay thực hiện những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và nâng khả năng chống hạn hán, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực.

Kể từ năm 1973, Ngày Môi trường Thế giới do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chủ trì đã nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường quan trọng, từ biến đổi khí hậu đến ô nhiễm hóa chất. Năm nay, sự kiện này tập trung vào vấn đề phục hồi đất, hạn hán và sa mạc hoá.

Vấn đề xói mòn đất, sa mạc hoá và hạn hán

Đất duy trì sự sống trên Trái đất. Đất nông nghiệp, rừng, đồng cỏ, thảo nguyên, đất than bùn và cả núi đều mang lại cho con người nhiều loại mặt hàng phục vụ đời sống và phát triển nền văn minh. Những cảnh quan đó được củng cố bởi các hệ sinh thái dưới nước, như đại dương, sông hồ duy trì các chu kỳ tuần hoàn của nước, giúp đất đai màu mỡ.

Nhưng các hệ sinh thái này đang bị đe doạ. Việc triển khai mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững đang góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng về khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.  Theo đó, hơn 1/5 diện tích đất trên Trái đất, tương đương với khoảng 2 tỷ ha, đang bị suy thoái.

Khoảng 3,2 tỷ người, tương đương với 40% dân số toàn cầu, đang bị ảnh hưởng bởi sự xói mòn đất đai. Trong đó, nhóm người đối mặt với nhiều rủi ro nhất từ vấn đề này bao gồm cộng đồng bản địa, cộng đồng nông thôn, nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, và đặc biệt là phụ nữ và người trẻ.

Ngoài ra, có tới 55 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn hán hàng năm. Hạn hán, do đó, cũng là mối đe doạ lớn nhất đối với vật nuôi và cây trồng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Nếu tình trạng không được kiểm soát, nó có thể làm giảm 12% năng suất lương thực toàn cầu, khiến giá lương thực tăng tới 30% vào năm 2040.

Trước tình hình này Ngày Môi trường Thế giới 2024 (diễn ra vào 5/6), do Ả Rập Xê-út đăng cai, đã lấy chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience). Đây là cơ hội để thu hút sự chú ý về các giải pháp phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và xây dựng khả năng chống chịu hạn hán.

Để phục hồi đất, thế giới cần một cách tiếp cận toàn diện, tận dụng kiến thức qua nhiều thế hệ. Chúng ta đang là một phần của thế hệ đầu tiên chứng kiến những tác động tàn khốc của tình trạng suy thoái môi trường và cũng là hy vọng cuối cùng của hành tinh để đảo ngược tiến trình này.

“Chúng ta không thể quay ngược thời gian, nhưng chúng ta có thể trồng rừng, phủ xanh thành phố, thu hoạch nước mưa và lựa chọn những thực phẩm thân thiện với đất”, báo cáo khẳng định.

Theo đó, nhân Ngày Môi trường Thế giới 2024, các bên liên quan đã phát hành một báo cáo bao gồm các giải pháp thiết thực để thúc đẩy mọi người tham gia vào nỗ lực bảo tồn.

Ngày Môi trường Thế giới 2024 lấy chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”. Ảnh: UNEP

Đảm bảo sản xuất thực phẩm khi thực hiện mục tiêu bảo tồn

Theo ước tính, ít nhất khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu phụ thuộc vào ngành nông nghiệp để đảm bảo sinh kế, đặc biệt là người nghèo và người sống ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, hệ thống lương thực hiện nay vẫn chưa đạt được tính bền vững và là một trong những nguyên nhân chính gây xói mòn đất đai.

Một trong những cách tốt nhất giúp đạt được chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững là cải cách tài chính nông nghiệp. Hiện nay, các nhà sản xuất nông nghiệp nhận được 540 tỷ USD hỗ trợ tài chính mỗi năm từ các nước. Tuy nhiên, khoảng 87% nguồn tài trợ đang bị ảnh hưởng, gây đánh giá sai về giá cả hoặc gây tổn hại đến thiên nhiên và sức khỏe con người.

Theo đó, Chính phủ và khu vực tài chính có thể thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn để tăng sản lượng lương thực đồng thời bảo tồn hệ sinh thái; Chuyển hướng trợ cấp nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá theo hướng thực hành bền vững và nông dân quy mô nhỏ; Đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn với đất đai, nước, tín dụng và thị trường cho nông dân sản xuất nhỏ và cộng đồng bị thiệt thòi; và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dành riêng cho hệ thống thực phẩm của người dân bản địa để khai thác tiềm năng ứng dụng rộng rãi hơn.

Một cách khác được đề cập trong báo cáo là tăng cường bảo tồn đất. Đất được coi là môi trường sống đa dạng sinh học nhất hành tinh. Trong đó, có gần 60% tổng số loài sinh vật sống trong đất. Theo ước tính, 95% thực phẩm được sản xuất trực tiếp hoặc gián tiếp trên đất.

Đất có khả năng đất hoạt động như một hệ sinh thái. Trong tình trạng tốt, đất có thể lưu trữ carbon lớn nhất trên mặt đất và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động khí hậu.

Để bảo vệ đất, chính phủ và khu vực tư nhân có thể hỗ trợ canh tác hữu cơ sử dụng ít hoặc không sử dụng hóa chất tổng hợp; cải cách trợ cấp và cho vay để khuyến khích canh tác thân thiện với đất; hoặc đầu tư vào quản lý và bảo tồn đất bền vững để bảo vệ cơ sở hạ tầng tự nhiên của đường thủy.

Ngoài ra, tài liệu Ngày Môi trường Thế giới 2024 cũng đề cập đến việc tăng cường nuôi ong như một giải pháp bền vững cho chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, gần 75% cây ăn quả và hạt giống trên thế giới phụ thuộc ít nhất một phần vào các loài thụ phấn, bao gồm 87 trong số 115 loại cây lương thực hàng đầu trên toàn thế giới. Việc tăng cường nuôi ong sẽ giúp cải thiện năng suất trồng trọt, đảm bảo sinh kế và chuỗi cung ứng thực phẩm.

Phục hồi nguồn nước ngọt

Các hệ sinh thái nước ngọt trên thế giới cũng đóng vai trò trong việc đảm bảo thực phẩm và cung cấp nước uống cho hàng tỷ người, bảo vệ con người khỏi hạn hán và lũ lụt, đồng thời cung cấp môi trường sống cho vô số loài động thực vật. Chúng cũng duy trì các chu trình nước giúp đất đai màu mỡ và là một phần quan trọng trong nỗ lực phục hồi. Tuy nhiên, các hệ sinh thái nước ngọt đang cạn kiệt tới mức báo động, đồng thời chịu hàng loạt tác động tiêu cực từ ô nhiễm, biến đổi khí hậu, đánh bắt và khai thác quá mức.

Để khôi phục hệ sinh thái nước ngọt, báo cáo kiến nghị các chính phủ đầu tư vào các kế hoạch quản lý tài nguyên nước tổng hợp, toàn diện có tính đến toàn bộ chu kỳ nguồn nước, từ đầu nguồn đến phân phối, sử dụng tiết kiệm, xử lý, tái chế, tái sử dụng và trả lại môi trường; cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm và tăng cường giám sát để xác định các nguồn ô nhiễm và đánh giá sức khỏe của hệ sinh thái nước ngọt.

Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước, một lựa chọn khác là bảo tồn các vùng biển và ven biển. Đại dương và biển cung cấp cho nhân loại vô số nhu cầu thiết yếu, bao gồm oxy, thực phẩm và nước, đồng thời đóng vai trò trong giảm thiểu biến đổi khí hậu và giúp cộng đồng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Khoảng 37% dân số toàn cầu cư trú trong phạm vi 100 km từ bờ biển, trong khi hơn 3 tỷ người, chủ yếu ở các quốc gia đang phát triển, sống dựa vào đa dạng sinh học biển và ven biển để kiếm sống. Do đó, việc bảo tồn các khu vực này cũng là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ nguồn nước ngọt.

Ngày Môi trường Thế giới là cơ hội để thu hút sự chú ý về các giải pháp phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và xây dựng khả năng chống chịu hạn hán. Ảnh: UNEP

Khôi phục thiên nhiên ngay tại thành phố

Các thành phố là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, do đó đây cũng là khu vực gây ra những tác động môi trường sâu sắc. Cụ thể, các thành phố chiếm 75% lượng sử dụng tài nguyên toàn cầu, tạo ra hơn một nửa lượng rác thải toàn cầu và ít nhất 60% lượng khí thải nhà kính.

Khi các thành phố phát triển, thế giới tự nhiên xung quanh như rừng, vùng đất ngập nước, đất nông nghiệp sẽ bị tác động, dẫn đến hạn hán và suy thoái đất.

Để nâng cao tính bền vững cho các thành phố, các bên liên quan có thể đưa thiên nhiên trở lại các “khu rừng bê tông” này, bằng cách trồng cây, hỗ trợ đa dạng sinh học, giảm thiểu vấn đề môi trường. Việc khôi phục thiên nhiên, gia tăng trồng cây tại thành phố sẽ là một giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Để thực hiện các giải pháp trên một cách hiệu quả, tài chính cũng là một yếu tố quan trọng. Báo cáo Ngày Môi trường Thế giới 2024 lưu ý các khoản đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên cần tăng từ 200 tỷ USD lên 542 tỷ USD vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và khí hậu thế giới. Các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tài chính cần làm việc cùng nhau để thu hẹp khoảng cách hiện có trong vấn đề này.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.