Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân
Sáng ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 bằng hình thức trực tuyến.
Tham dự Lễ phát động tại điểm cầu Trung ương có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh, các đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cơ quan thông tấn báo chí.
Tại các điểm cầu khác, Lễ phát động còn nhận được sự quan tâm, tham dự bằng hình thức trực tuyến của đông đảo các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 và được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm. Đến nay, Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức phát động Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của điểm cầu Trung ương và điểm cầu tại các địa phương.
Bắt đầu buổi Lễ, toàn thể các đại biểu đã cùng nhau dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ tới những người dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã mất trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, để lại nhiều mảnh đời mồ côi. “Chúng ta cũng dành sự tri ân, biết ơn sâu sắc tới các lực lượng tuyến đầu chống dịch, từ đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng viên, tới những cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ ở chính quyền địa phương, cơ sở, các tổ dân phố nơi pháo đài chống dịch đang ngày đêm nỗ lực để đem lại sự bình yên cho nhân dân. Và trong số đó, không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng nhưng có ý nghĩa to lớn của các cán bộ, công nhân, người lao động vệ sinh môi trường đã không quản ngại nguy hiểm, luôn có mặt ở những điểm nóng nhất ở các bệnh viện, khu điều trị, khu cách ly tập trung, khu phong tỏa để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm với những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật, qua đó góp phần ngăn chặn nguồn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.” – Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân bày tỏ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tuy vậy, hiện nay, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là nguy cơ hiện hữu, thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội đối với toàn cầu, trong đó có chúng ta nếu chúng ta không đổi mới tư duy, hành động bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, kịp thời. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu cũng đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi nhân loại phải sớm có những hành động cụ thể, thiết thực thay đổi cách thức ứng xử với môi trường tự nhiên, các hệ sinh thái.
Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường cũng như sức khỏe của người dân để lấy các mục tiêu kinh tế trước mắt, mà luôn hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã được hoàn thiện theo hướng hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội
Song song với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua, đã có nhiều sáng kiến, hoạt động về BVMT hết sức thiết thực, thu hút sự tham gia của mỗi người dân và toàn xã hội được tổ chức như phong trào Chống rác thải nhựa; Chiến dịch Nói không với ống hút nhựa; phong trào Ngày Chủ nhật xanh; Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; Mô hình cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp…trở thành điểm sáng, tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Mới đây nhất, ngày 15 tháng 9 năm 2021, 02 Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là 02 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, qua đó nâng tổng số Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta lên 11 Khu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là niềm tự hào của hai địa phương Ninh Thuận và Gia Lai nói riêng và của Việt Nam nói chung, đồng thời thể hiện rõ nét những nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong công tác BVMT, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Các đại biểu tham dự Lễ phát động tại các điểm cầu
Công tác BVMT trong giai đoạn phát triển mới của đất nước với rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức; tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Trong buổi Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021, thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cấp, ngành, cơ quan đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể.
Một là, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn, nhất là chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, của Bộ Y tế và Bộ TN&MT; tập trung giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và BVMT, đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, cải thiện chất lượng môi trường khu vực đô thị và nông thôn nhằm hỗ trợ một cách tích cực và hiệu quả cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng rác thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các giải pháp cụ thể để thực thi hiệu quả các quy định của Luật BVMT năm 2020, nhất là các hoạt động hiệu quả để quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo vệ di sản thiên nhiên, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Kịp thời phát hiện, tuyên dương các mô hình điển hình, cách làm hay, hiệu quả về BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hiệu quả để phổ biến, nhân rộng.
Nguồn Vea.gov.vn