Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), trong quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, người dân trong khu vực đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Gần đây nhất là ngày 28/11/2019, người dân tại đội 13, thôn Thuận Phước và Khu dân cư số 4, thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận phản ánh về hiện tượng lá cây, hoa màu của người dân bị rụng nhiều, khô héo và tụ tập đông người trước cổng nhà máy để phản đối.
Ngay trong ngày, UBND huyện Bình Sơn đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến hiện trường để kiểm tra. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức lấy mẫu môi trường để phân tích đánh giá, đồng thời, tổ chức cuộc họp giữa UBND huyện Bình Sơn, huyện ủy Bình Sơn, UBND xã Bình Thuận, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất và đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng của xã Bình Thuận, kết quả đã thống nhất sớm giải quyết nguyện vọng của người dân về đền bù, di dân và tái định cư.
Ngay sau khi làm việc với UBND huyện Bình Sơn, Đoàn công tác của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên đã đi khảo sát tại các điểm dân cư xung quanh Khu liên hợp. Đoàn công tác đã tiến hành thu thập thông tin về khoảng cách gần nhất của hộ dân tới hàng rào nhà máy; số hộ dân nằm trong diện phải di dời, giải tỏa.
Đồng thời, phỏng vấn người dân về tần suất, thời gian, mức độ bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn, mùi; đã xem xét rất kỹ khu vực có cây cối, thực vật và hoa màu bị héo lá, rụng lá, cũng như đến một số hộ dân có phản ảnh về vấn đề nhà bị nứt bởi ảnh hưởng từ việc nổ mìn,…
Theo Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, qua khảo sát thực tế cho thấy, cây bị héo và vàng lá nhiều nhất là cây keo và tre, một số cây khác bị ảnh hưởng như khoai lang, mướp nhưng số lượng khá nhỏ so với tre và keo. Các vị trí bị ảnh hưởng nằm rải rác theo từng đóm, bao quanh vẫn có cây sống bình thường, vị trí bị ảnh hưởng có khoảng cách gần nhất tới tường rào của Khu liên hợp khoảng 150m, xa nhất tới 800 – 900m.
Tuy nhiên, một số loài cây chiếm số lượng lớn trong khu vực như bạch đàn lại không bị ảnh hưởng, kể cả khu vực giáp ranh hàng rào Khu liên hợp.
Cũng theo Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Dự án Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ giám sát bao gồm Tổng cục Môi trường, đại diện các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Ngãi và UBND huyện Bình Sơn, theo kế hoạch được duyệt, Tổ giám sát đã tổ chức giám sát 2 lần/năm. Dự án Khu liên hợp bắt đầu vận hành thử nghiệm phân kỳ 1, giai đoạn 1 từ cuối tháng 6 năm 2019, trong thời gian này, Tổ giám sát đã kiểm tra, lấy mẫu phân tích đánh giá các nguồn thải.
Theo đó, kết quả phân tích mẫu tại các ống khói cho thấy, các thông số khí thải đều nằm trong ngưỡng cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường. Kết quả giám sát cho thấy Công ty đã xây dựng cơ bản đầy đủ các công trình BVMT, tiến hành lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục khí thải tại một số ống khói theo yêu cầu, tuy nhiên Công ty chưa hoàn thành việc di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng như đã cam kết.
Cũng ngay trong đêm qua (4/12), Đoàn công tác đã cử cán bộ tiếp tục khảo sát xung quanh khu vực Khu liên hợp để đánh giá mức độ tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư. Kết thúc đợt khảo sát, Đoàn công tác sẽ có báo cáo kết quả tới lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Tổng cục Môi trường và đề xuất các biện pháp quản lý trong giai đoạn tiếp theo.
Nguồn Vea.gov.vn