Vườn Quốc gia Cát Tiên đã trở thành vườn quốc gia đầu tiên và khu bảo tồn thứ hai của Việt Nam được công nhận Danh lục Xanh IUCN nhờ vào nỗ lực bảo tồn kiên trì, hiệu quả. Danh hiệu cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thực hiện các mục tiêu bảo tồn tham vọng.
Rừng là một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chứa đựng vô vàn giá trị, từ văn hoá đến sinh kế cho người dân. Ở Cát Tiên, từ những năm 90 trở về trước, tình trạng lâm tặc mang chất nổ vào đặt dưới gốc các cây gỗ quý cho nổ tung, vài ngày sau vào khai thác vốn rất phổ biến. Hàng ngàn cây quý trong rừng cũng vì thế mà mất dần. Đối với cộng đồng cận rừng khi ấy, rừng là nguồn sống của họ, không khai thác rừng, họ dường như mất đi một nguồn “kiếm cơm”.
Do đó, để bảo vệ rừng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý. Từ năm 1978, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thành Khu rừng cấm Nam Bãi Cát Tiên, có chức năng quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của vùng Nam Bộ, là tiền đề cho Vườn Quốc gia Cát Tiên hiện nay.
Việc quản lý diện tích rừng rộng lớn, lên tới 71.000 ha là trách nhiệm vô cùng lớn và đòi hỏi nhiều nguồn lực. Theo đó, Cát Tiên đã thành lập 22 trạm kiểm lâm, đóng tại các vùng xung yếu trong rừng. Mỗi kiểm lâm viên được giao phụ trách một diện tích rừng nhất định và phải chịu trách nhiệm nếu để mất rừng.
Dù vậy, đến nay, mỗi trạm kiểm lâm mới chỉ có khoảng 5-7 cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Như vậy, mỗi cán bộ kiểm lâm sẽ phải bao quát công việc ở khoảng 5-700 ha rừng, một diện tích quá lớn đối với một người. Để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ rừng, một cách làm khác đã được triển khai ở Cát Tiên, đó là bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng.
Chia sẻ về hành trình giữ rừng của Cát Tiên, ông Phạm Hữu Khánh, nguyên Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Cát Tiên, cho biết: Để thu hút cộng đồng, bên cạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, Vườn đã gắn lợi ích cộng đồng với nỗ lực bảo tồn rừng. Tức là khi tham gia bảo vệ rừng, người dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chính cánh rừng đó.
Nhiều chương trình dựa vào cộng đồng đã đưc triển khai, như giao khoán bảo vệ rừng. Trong đó, người dân tham gia tuần tra rừng, ngăn chặn hành động khai thác trái phép sẽ được hưởng nguồn tài chính từ dịch vụ môi trường rừng.
Nhưng chỉ chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa đủ để người dân yên tâm sinh sống dưới các tán rừng, bởi nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng còn hạn chế và không phải cộng đồng nào cũng được tiếp cận nguồn tiền này.
Để tiếp tục giải bài toán lợi ích cộng đồng, Cát Tiên đã triển khai thêm nhiều chính sách khác, bao gồm hỗ trợ phát triển dịch vụ homestay du lịch cộng đồng; hỗ trợ cây giống có giá trị cao, như sầu riêng, cây điều, cao sản hoặc cây bơ… để phát triển kinh tế; hỗ trợ giống các giống cỏ để trồng thâm canh, chăn nuôi gia súc; tập huấn trồng nấm thực phẩm, nấm dược liệu để sản xuất…
Ngoài ra, Cát Tiên cũng thành lập quỹ phát triển sinh kế thôn, như mô hình khu du lịch cộng đồng Tà Lài, để hỗ trợ cộng đồng tại đây. Từng sống phụ thuộc vào nghề “đi rừng”, giờ đây cộng đồng người Tà Lài đã tìm được kế sinh nhai mới, đó là phát triển du lịch tại địa phương và trở thành hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan rừng Cát Tiên.
Các kế hoạch đảm bảo lợi ích về mặt kinh tế và sinh kế cho cộng đồng địa phương đã mang lại lợi ích về mặt bảo tồn cho chính Cát Tiên. Đến nay, cộng đồng địa phương đã thích nghivới lối sống mới, các vụ tranh cấp, khai thác lậu, xâm lấn rừng cũng được kiểm soát. Cũng nhờ sự tham gia của cộng đồng với các kết quả bảo tồn hiệu quả, Cát Tiên đã trở thành vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam được xướng tên Danh lục Xanh.
Đến với Cát Tiên, ông Jake Bruner, Giám đốc Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Khu vực Hạ lưu sông Mekong, nhận định: Vườn Quốc gia Cát Tiên là một mẫu chuẩn cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới khu vực Nam Bộ với hơn hơn 71.000 ha rừng đặc dụng; hơn 1.720 loài động vật, với đặc trưng là cá sấu nước ngọt, bò tót, voi châu Á, vượn đệm má vàng, vọoc bạc, công xanh… Bên cạnh đó, Cát Tiên còn có hệ thực vật rất phong phú gồm 1.655 loài thân gỗ, nhiều loài thực vật quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, trắc, chò, sao đen và nhiều loại dược liệu quý như sa nhân, kim cang….
Kết quả bảo tồn đáng ấn tượng này đã đưa Danh lục Xanh tìm đến với Cát Tiên, mang theo nhiều cơ hội cho Vườn.
Đầu tiên là cơ hội nâng cao năng lực quản lý. Các tiêu chí của Danh lục Xanh không chỉ nằm số lượng, diện tích rừng, số loài cây được bảo tồn mà còn tập trung vào chất lượng quản lý, thể hiện ở các kế hoạch, chiến lược hoạt động của Vườn. Với Cát Tiên, Vườn đã có Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn năm 2021-2030, cho thấy kế hoạch quản lý dài hạn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học của Vườn.
Thứ hai, khi tham gia Danh lục Xanh, các khu bảo tồn sẽ phải thu thập dữ liệu và tổng hợp thành một bộ thông tin dựa trên 50 chỉ số và tải lên hệ thống của IUCN. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu như trên sẽ giúp các vườn quốc gia, khu bảo tồn tìm kiếm thông tin, xác định khoảng trống, những vấn đề cần khắc phục. Qua đó, các khu bảo tồn có thể hoạch định, cải thiện chương trình hoạt động phù hợp, hiệu quả hơn.
Thứ ba, bên cạnh cơ hội thu hút nguồn tài trợ nước ngoài, bộ thông tin theo tiêu chí Danh lục Xanh sẽ giúp các khu bảo tồn tính toán và phân bổ nguồn lực hoạt ộng một cách hợp lý.
“Trước đây, các khu bảo tồn có thể không biết nên đầu tư nguồn lực cho việc gì. Nhưng khi tham gia Danh lục Xanh, họ sẽ biết được lỗ hổng của mình là gì. Qua đó, họ biết được mình cần gì, thiếu gì và huy động nguồn lực hỗ trợ về mặt tài chính cũng như kỹ thuật trong nước quốc tế đúng nơi, đúng chỗ”, ông Jake Bruner giải thích.
Đến nay, Việt Nam đã có hai khu bảo tồn được nhận danh hiệu Danh lục xanh là Khu bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long và Vườn Quốc gia Cát Tiên. Việc được công nhận Danh lục Xanh sẽ là đòn bẩy thúc đẩy nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Hiện tại, diện tích khu bảo tồn ở Việt Nam mới chiếm khoảng 7%. Đến năm 2030, Việt Nam kỳ vọng nâng tỷ lệ này lên 9%. Để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam cần chú trọng nâng cao hiệu quả bảo tồn tại hệ thống khu bảo tồn hiện có, như những gì đã đạt được tại Vân Long và Cát Tiên. Việc quản lý tt các khu bảo tồn sẽ giúp Việt Nam khôi phục môi trường thiên nhiên, tái tạo hệ sinh thái, tăng cường đa dạng sinh học và các giá trị khác về tự nhiên.
Được công nhận Danh lục Xanh mới là bước đầu trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu bảo tồn tham vọng. Chứng nhận Danh lục Xanh có thời hạn trong 5 năm. Trong thời gian này, IUCN và các bên liên quan sẽ tiến hành một đợt đánh giữa kỳ đối với các cơ sở được công nhận. Do đó, Cát Tiên cần tiếp tục nâng cao nỗ lực trong các hoạt động bảo tồn và quản trị, như tăng số lượng nhân viên, tăng chất lượng quản lý, thu hút thêm nguồn vốn hỗ trợ, hoàn hiện nghiên cứu thống kê, đánh giá tiềm năng rừng.
Theo baotainguyenmoitruong.vn