Tham dự Diễn đàn doanh nghiệp (DN) công nghệ số lần thứ V năm 2023 ngày 11/12, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam.
Sau khi lắng nghe những đề xuất của các DN công nghệ số và trao các giải Vàng cho các giải pháp công nghệ số xuất sắc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngày mai (12/12) là ngày đặc biệt, tôn vinh các DN số – những người lính đi đầu trong thời đại ngày nay. “Đất nước có hùng cường hay không là do đội ngũ này quyết định”.
Theo Phó Thủ tướng ba cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước, Việt Nam đã tận dụng được nhưng chưa mang lại nhiều sự thay đổi. Đối với cuộc CMCN lần thứ tư, Việt Nam phải có cách tiếp cận hoàn toàn mới.
“Các tham luận sáng nay đã có nhiều hiến kế cho cộng đồng DN và cơ quan nhà nước, tìm nguồn lực mới thay thế tài nguyên truyền thống. Đây là cơ hội hiếm hoi để nước đi sau đuổi kịp, đi tắt đón đầu thành công trong lĩnh vực viễn thông và chuyển đổi số (CĐS)“, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo dõi Diễn đàn từ đầu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sự kiện đã tạo không khí đặc biệt, tạo ra những khâu đột phá, tiên phong trong đổi mới, sáng tạo. Thay mặt chính phủ, Phó Thủ tướng chúc mừng các DN nhận giải thưởng Make in Viet Nam. “Có thể gọi đây là những tinh hoa, mang đến động lực, tinh thần và đóng góp vật chất trong ứng dụng công nghệ số. Vị thế, uy tín của Việt Nam với thế giới quyết định bởi DN số, kinh tế số“, Phó Thủ tướng nói.
Nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng tại diễn đàn cách đây 2 năm là nếu kinh tế số Việt Nam không phát triển, không làm cho Việt Nam hạnh phúc, hùng cường đó là trách nhiệm Bộ trưởng. “Hai năm sau tôi muốn nhắc lại để thấy bộ trưởng đã đúng. Cùng với các doanh nhân và lực lượng của mình đã làm được điều này”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng Chính phủ lắng nghe DN mở ra môi trường pháp lý. Tiếp theo, Chính phủ trở thành “nhà đặt hàng lớn nhất” để tạo đầu ra cho DN. “Chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện đầu ra cho DN”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Song song đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần có những sản phẩm số quốc gia, đủ chất lượng để “mang chuông đi đánh xứ người”. Bên cạnh việc tìm ra các đặc điểm riêng, 1.400 DN cần xây dựng được hạ tầng kỹ thuật chung, tạo ra bệ đỡ cho sự phát triển.
Việc phát triển thị trường nước ngoài cũng cần đánh giá đúng mực. Việc phát triển sản phẩm ở các quốc gia phát triển có thể giúp Việt Nam giải bài toán về kinh tế, nhưng sâu xa hơn là học hỏi mô hình về quản trị, giao dịch. Chính phủ sẽ cần có sự đồng hành cùng DN, để cùng nhau đi và cùng nhau đến, hoàn thành được mục tiêu về kinh tế số.
Trước các ý chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ Việt Nam là nước có mật độ DN, công nghệ số rất dày. DN khát khao chinh phục thế giới bằng sản phẩm, công nghệ Việt Nam và mong muốn Chính phủ, các bộ ngành giao cho họ nhiệm vụ to lớn hơn để phát triển hơn nữa CĐS quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa sẽ sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số bởi đây là động lực mới cho phát triển năng suất lao động. Bộ sẽ dùng công nghệ thực hiện hóa khát vọng hùng cường, “biến” Việt Nam thành đất nước công nghệ số hàng đầu, đóng góp cho sự thịnh vượng của nhân loại.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng mong Chính phủ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa tới công nghệ số nước nhà cũng như các DN.
DN cần tạo ra một hệ sinh thái các ứng dụng trên nền tảng 5G
Tham luận đầu tiên các DN tham luận tại Diễn đàn, ông Lý Quốc Chính, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông cho biết Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình triển khai CĐS cho các ngành, lĩnh vực nhưng tốc độ diễn ra chưa như kỳ vọng.
Lấy ví dụ 5G, ông Chính cho biết công nghệ này không chỉ có hạ tầng kết nối mà còn liên quan đến các công nghệ như đám mây, IoT, AI, dữ liệu lớn… tạo ra các ứng dụng cho DN. Do đó, khi triển khai cho DN, cần làm trên nền tảng công nghệ, đó là 5G và nền tảng của nhà mạng. Nếu các DN tự đi theo cách riêng, sẽ tạo ra các ứng dụng rời rạc, không có lợi thế cạnh tranh về quy mô, gây lãng phí nguồn lực.
Vì vậy, DN cần tạo ra một hệ sinh thái các ứng dụng trên nền tảng 5G. Hạ tầng của các nhà mạng làm nền tảng, khởi tạo các dịch vụ và và ứng dụng, thông qua các mô hình B2C, B2B, B2D tạo một hệ sinh thái.
“VNPT đang chuyển đổi mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ truyền thông sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP)”, ông Lý Quốc Chính nhấn mạnh.
Do đó, trước bối cảnh thị trường biến đổi nhanh và đa dạng, VNPT định hình xây dựng hạ tầng và các nền tảng công nghệ. Từ đó, VNPT mong muốn hợp tác với cộng đồng công nghệ nhằm xây dựng những hệ sinh thái phát triển bền vững.
Trong đó, IDG (Innovative Digital Galaxy) cung cấp các dịch vụ nền tảng PaaS (Platform as a Service) cho phép khách hàng có thể triển khai dịch vụ trên nền tảng được cung cấp một cách tự động mà không cần quan tâm đến cách thức triển khai và vận hành. VNPT đã chuyển đổi tất cả giải pháp dịch vụ của mình lên nền tảng Cloud Native sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Nền tảng cho các dịch vụ AI của VNPT đã xử lý được một tỷ lượt request từ nhiều lĩnh vực ngành nghề như Tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục… 5 triệu ký tự đã được chuyển đổi thành giọng nói giúp tiết kiệm hàng triệu giờ lao động. 20 triệu khuôn mặt được xác thực bởi nền tảng AI của VNPT. Hàng triệu cuộc gọi tự động từ cơ quan nhà nước đặc biệt phát huy hiệu quả trong giai đoạn COVID-19. Hàng triệu trang văn bản đã được số hóa lưu trữ và khai thác ở 63 tỉnh thành cả nước.
VNPT cung cấp hạ tầng, nền tảng, thiết bị và giải pháp IoT toàn diện thông qua hệ sinh thái đa dạng, bao gồm: định hình cấu trúc hệ sinh thái IoT; xây dựng hạ tầng 5G, IoT connectivity và các nền tảng công nghệ làm căn bản xây dựng HST; xây dựng những tiêu chuẩn chung, đảm bảo sự liên kết mạnh mẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái; thực hiện các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng, đối tác tham gia vào hệ sinh thái.
FPT phát triển công nghệ lõi
Chia sẻ về chủ đề “FPT từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT ông thế giới đang vận hành rất nhanh, các tập đoàn lớn trên thế giới cũng loay hoay về việc ứng xử với công nghệ. “Nếu chúng ta không theo, sẽ bị bỏ lại, nhưng nếu chúng ta theo thì cần có hướng để đạt hiệu quả cao nhất”, ông Khoa nói.
Từ kinh nghiệm 35 làm công nghệ của FPT, DN nhận thấy câu chuyện ngành bán dẫn và chip điện tử có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, lớn hơn còn là ngành công nghiệp điện tử, quy mô dự kiến khi đến 2023 là 5.000 tỷ, thuộc 10 ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, năm 2022, ngành này đứng thứ 2 trong 8 ngành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. “Chúng ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh CĐS, vì vậy nhu cầu vô cùng lớn. Dữ liệu quan trọng nhưng việc làm chủ phần cứng và công nghệ lõi còn xa hơn thế. Hạ tầng sẽ giúp giảm đi sự phụ thuộc của Việt Nam thế giới”, ông Khoa cho biết.
Theo Tổng Giám đốc FPT, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vô cùng lớn, nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi, chúng ta sẽ tham gia bằng cách nào. “Ở góc độ là một DN, FPT trong ngắn hạn sẽ tập trung thiết kế, đóng gói, kiểm thử. Trong trung hạn là xây dựng tổ hợp, chuỗi sản xuất chip và dài hạn là làm chủ công nghệ lõi, tập trung vào các ngành phát triển mạnh như năng lượng, xe điện, IoT, tất cả DN phải đưa AI vào con chip”.
Cũng tại diễn đàn, ông Lê Bá Tân, Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel trình bày tham luận chủ đề: “Phát triển mạng 5G – hạ tầng thiết yếu của các ngành công nghiệp”.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban CĐS Tổng Công ty viễn thông MobiFone, chia sẻ đơn vị đã chuyển từ một nhà mạng viễn thông sang nhà cung cấp hạ tầng số, dịch vụ số, giải pháp số – nền tảng số.
Tiếp nối phần tham luận, ông Phạm Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty NTQ Solution chia sẻ tham luận về kinh nghiệm đưa dịch vụ IT của Việt Nam vươn tầm thế giới. Tham luận gồm hai nội dung tổng quan về thị trường toàn cầu và bài học kinh nghiệm phát triển dịch vụ IT của NTQ tại nước ngoài.
Vào buổi chiều 11/12, các DN công nghệ số đã trao đổi các chuyên đề: Rào cản phát triển, dịch vụ AI được đưa vào cuộc sống; Phát triển vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam; Phát triển sản phẩm IoT dựa trên các nền tảng SoM; Giải pháp, dịch vụ công nghệ số theo thị trường chuyên ngành./.
Theo ictvietnam