Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội và Ngân sách Nhà nước diễn ra vào ngày 31/5 – 1/6, nhiều vấn đề liên quan đến TN&MT đã được các đại biểu chia sẻ. Đó là vấn đề quản lý rác thải, giải pháp trữ nước ở vùng khô hạn, thiếu nước.
* Tăng cường tái chế rác, hướng đến tuần hoàn tài nguyên rác thải
Tại phiên họp, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang), kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.
Theo Đại biểu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, do tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm, ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng.
Bên cạnh đó, hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt nhưng chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Theo Đại biểu, tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp. Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn, nhưng hiện tại các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức hóa.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương phát biểu tại phiên thảo luận
Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội và Ngân sách Nhà nước diễn ra vào ngày 31/5 – 1/6, nhiều vấn đề liên quan đến TN&MT đã được các đại biểu chia sẻ. Đó là vấn đề quản lý rác thải, giải pháp trữ nước ở vùng khô hạn, thiếu nước.
Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, Đại biểu cho rằng, do thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với rác thải được phân loại, nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả các rác thải được thu gom. Kinh phí thực hiện cho phân loại rác tại nguồn còn cao. Bên cạnh đó, thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại rác tại nguồn.
Đại biểu nhấn mạnh, rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị thì cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.
* Cần quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình hồ chứa nước đa mục tiêu
Tại phiên thảo luận, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ nước sinh hoạt và cấp nước, hồ treo trữ nước, cấp nước sinh hoạt và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy.
Theo Đại biểu, tỉnh Hà Giang là vùng núi đá, địa hình đồi núi dốc, đá tai mèo, nhiều thung lũng sâu, khép kín, có mạng lưới sông, suối và nguồn nước ngầm là khu vực thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là về mùa khô. Người dân Hà Giang, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đang đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng do thời tiết đầu năm tới nay khô hạn kéo dài, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, cuộc sống sinh hoạt vô cùng khó khăn.
“Không chỉ năm nay mà đã rất nhiều năm trở lại đây, cứ vào mùa khô người dân lại phải đi hàng chục cây số để chở từng can nước về phục vụ cuộc sống sinh hoạt, nhiều nơi cây trồng không có thu hoạch, hàng nghìn hecta hoa màu bị khô héo, nguy cơ bị mất trắng hoa màu và tái nghèo hiện hữu trên mảnh đất vùng cao nguyên đá Hà Giang”, Đại biểu chia sẻ.
Đại biểu Tráng A Dương phát biểu tại phiên thảo luận
Theo Đại biểu, mặc dù Chính phủ đã đầu tư, có nhiều giải pháp hỗ trợ Hà Giang triển khai các dự án nâng cấp hồ chứa thủy lợi, hồ treo trữ nước sinh hoạt với gần 4.000 công trình thủy lợi nhỏ, trên 870 công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng tất cả chủ yếu vẫn phụ thuộc vào mưa hàng năm, có mưa thì có nước, không mưa thì không có nước. Các hồ treo công trình thủy lợi nhỏ không đủ tích trữ nước lâu dài phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Các chính sách hỗ trợ đồng bào thoát nghèo cũng không phát huy được nếu không có nước sản xuất.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, Đại biểu cho biết, cử tri Hà Giang kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ nước sinh hoạt và cấp nước, hồ treo trữ nước, cấp nước sinh hoạt và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy.
Các công trình này không chỉ giúp ổn định cả về trữ lượng và chất lượng nước mà còn từng bước thay thế nguồn nước mặt không ổn định, chưa qua xử lý như trước đây. Từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân vào mùa khô. Đặc biệt, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống sức khỏe người dân, ổn định dân cư, giữ vững an ninh biên giới và đóng góp vào hoàn thành mục tiêu nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của quốc gia.
Nguồn: monre.gov.vn