TP. Đà Nẵng đang đặt ra nhiều mục tiêu về môi trường, phấn đấu trở thành thành phố sinh thái vào năm 2045.
* Lộ trình
Thực hiện mục tiêu trở thành thành phố sinh thái vào năm 2045, thành phố Đà Nẵng đã đặt ra 40 nhiệm vụ kiểm soát tốt chất lượng môi trường của thành phố cùng 30 tiêu chí về chất lượng môi trường.
Trước mắt, từ nay đến năm 2025, thành phố đặt ra nhiệm vụ kiểm soát tốt chất lượng môi trường. Đến năm 2030, phải thiết lập được hệ thống quản lý môi trường của thành phố theo nền tảng thành phố sinh thái.
Trong đó, về môi trường nước Đà Nẵng xác định trọng tâm là quy hoạch và bảo vệ tốt các nguồn nước cấp phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn thải trên các sông, biển, hồ, đầm; xử lý các điểm nóng môi trường nước, không tái ô nhiễm ở các điểm nóng môi trường đã được xử lý giai đoạn trước. Kiểm soát toàn bộ chất lượng nước thải đô thị, công nghiệp ra môi trường, cải thiện vấn đề ngập úng trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở các khu vực nội thị. Nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị, vùng nông thôn, bảo đảm năng lực cấp nước dự phòng cao, có khả năng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố sinh thái
Về môi trường không khí, không gian xanh: Đà Nẵng hướng đến bảo đảm chỉ số ô nhiễm chất lượng không khí luôn dưới 100; tiếng ồn, khí, bụi được kiểm soát chặt chẽ. Chất lượng môi trường không khí, giao thông được cải thiện thông qua các biện pháp kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ, phát triển mạnh hệ thống giao thông vận tải công cộng, khuyến khích đầu tư các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, điện năng. Kiểm soát các nguồn khí thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư, đô thị. Tăng diện tích cây xanh công cộng đạt mức trên quy chuẩn quốc gia; bảo đảm mục tiêu trồng rừng, xã hội hóa công tác chăm sóc, trồng rừng.
Đối với môi trường đất, chất thải rắn, ưu tiên của Đà Nẵng là cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường những nơi bị ô nhiễm. Quản lý chất thải rắn đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý; tăng chất lượng thu gom và xử lý đạt yêu cầu đối với chất thải rắn theo mục tiêu chiến lược quốc gia đã đề ra; chất thải nguy hại công nghiệp, y tế được kiểm soát nghiêm ngặt. Về quản lý tổng hợp liên quan đến môi trường, các kế hoạch phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp được lồng ghép theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường. Hệ thống quản lý môi trường được đầu tư, kiện toàn, đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu quản lý môi trường bền vững. Cộng đồng, doanh nghiệp được huy động, chủ động tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố môi trường…
* Huy động tổng lực
Để hoàn thành các mục tiêu đã xác định, thành phố Đà Nẵng tiếp tục chi hơn 2% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực môi trường; đồng thời sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Thành phố Đà Nẵng cũng đang tính đến các giải pháp tăng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường để đảm bảo các hạng mục chi đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ môi trường (rác thải, nước thải, khí thải); xây dựng các quy định cụ thể mức phí đối với từng đối tượng và tăng chi phí theo lộ trình; tăng cường xã hội hóa dịch vụ công liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước; huy động sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các giải pháp về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ tiếp tục huy động nguồn hỗ trợ từ các bộ, ngành trong nghiên cứu khoa học, thực hiện các công trình, giải pháp về xử lý môi trường, phòng chống thiên tai; kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng tham gia đóng góp… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Chính quyền thành phố sẽ chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình hợp tác chuyên sâu, lâu dài với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu… để kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác từ các tổ chức, đối tác quốc tế.
Theo Monre.gov.vn