CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

CĐS để góp phần vào tăng trưởng xanh từ góc nhìn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

0

TS. Tạ Tuấn Anh*, ThS. Lê Hoàng Anh**, *Công ty cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS, **Trung tâm thông tin và dữ liệu môi trường, TCMT, Bộ TN&MT.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021.

Tầm nhìn quốc gia về tăng trưởng xanh

Quan điểm của Nhà nước trong Chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.

Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn; lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường; định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số (CĐS), kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Bốn mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gồm: (i) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) xanh hóa các ngành kinh tế; (iii) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; iv) xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Các mục tiêu này đã được cụ thể hóa bằng một số chỉ tiêu được thể hiện như ở Hình 1.

Chuyển đổi số để góp phần vào tăng trưởng xanh từ góc nhìn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 - Ảnh 1.

Hình 1. Các chỉ tiêu tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg (nguồn TTXVN)

Mối quan hệ giữa CĐS và tăng trưởng xanh

Bộ chỉ số tăng trưởng xanh (Green Growth Index) do tổ chức liên chính phủ là Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) xây dựng hiện đang được sử dụng phổ biến tại các quốc gia để đo lường về mức độ sẵn sàng cho tăng trưởng xanh dựa trên 4 trụ cột chính là: i) sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong đó có năng lượng tái tạo, tài nguyên nước, tài nguyên đất và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; ii) phát triển nền kinh tế xanh bao gồm các khía cạnh về đầu tư xanh, thương mại xanh, việc làm xanh và sáng tạo xanh; iii) bảo vệ môi trường (BVMT) tự nhiên trong đó có kiểm soát ô nhiễm bảo đảm chất lượng môi trường (nước, không khí, đất), bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng văn hóa sống xanh; iv) xây dựng xã hội bao trùm trong đó có quyền tiếp cận các dịch vụ cơ bản, bình đẳng giới, bảo đảm công bằng xã hội và cuộc sống an toàn cho mọi người dân.

Như vậy, có thể thấy, tăng trưởng xanh là sự phát triển có tính bao trùm, bảo đảm được tính bền vững, hài hòa giữa con người và tự nhiên trên cơ sở của một nền kinh tế các-bon thấp.

CĐS chính là phương thức áp dụng thành quả của khoa học công nghệ trong bối cảnh của thời kì Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để hướng tới tăng trưởng xanh của quốc gia. Có 3 trụ cột đã được xác định trong Chiến lược CĐS quốc gia là chính phủ số (CPS), kinh tế số và xã hội số.

CPS là sự chuyển đổi để nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đáp ứng với sự thay đổi và phát triển của công nghệ số. Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển của quốc gia theo các tiêu chí được xác định trong bộ chỉ số tăng trưởng xanh. Kinh tế số được xem là một phần của kinh tế xanh khi ngày càng giảm được sự phụ thuộc của tăng trưởng vào mức độ khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Kinh tế số là nền tảng để thúc đẩy tạo ra các đầu tư xanh, thương mại xanh, việc làm xanh và sáng tạo xanh. 

Cuối cùng, xã hội số là phương thức nhanh nhất để tạo ra xã hội bao trùm. Nhờ vào ứng dụng công nghệ số, con người có thể thu hẹp được hoàn toàn khoảng cách về địa lý, thời gian, và có cơ hội tiếp cận tri thức như nhau trong một thế giới phẳng.

Chuyển đổi số để góp phần vào tăng trưởng xanh từ góc nhìn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 - Ảnh 2.

Xây dựng môi trường thông minh để hướng tới tăng trưởng xanh

CĐS và tăng trưởng xanh thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa phương thức và mục tiêu. Xây dựng môi trường thông minh chính là quá trình CĐS trong BVMT để hướng tới tăng trưởng xanh. Môi trường thông minh dùng các công nghệ số để tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ phát thải nhà kính và thúc đẩy hình thành văn hóa sống xanh. Môi trường thông minh được xem là một phần trong phát triển các đô thị thông minh, các khu kinh tế và khu công nghiệp sinh thái.

Xây dựng môi trường thông minh không chỉ đơn giản là đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh, mà phải được gắn liền với hành trình xanh hóa lối sống của con người thông qua sự thay đổi nhận thức theo 5 giai đoạn: tiền chiêm nghiệm, tự chiêm nghiệm, chuẩn bị, hành động và duy trì.

Đầu tiên ở giai đoạn tiền chiêm nghiệm, các vấn đề về môi trường thường chỉ được công bố dưới hình thức công khai thông tin. Sang giai đoạn tự chiêm nghiệm, thông tin môi trường sẽ được cung cấp một cách có chủ đích để tạo ra các thay đổi hành vi trong cộng đồng. Tại giai đoạn chuẩn bị, các cá nhân sẽ có xu hướng thực hiện thay đổi dưới sự tác động của thông tin có tính cá thể hóa. Tiếp theo chuyển sang giai đoạn các cá nhân sẽ thực hiện hành động theo đúng nhận thức đã thu được. Lúc này sẽ cần có các thông tin phản hồi một cách kịp thời về các cải thiện tích cực cho môi trường do hành động của cá nhân đã thực hiện. Cuối cùng, giai đoạn duy trì sẽ hình thành nên văn hóa sống xanh thông qua sự lan tỏa về sự đóng góp của các cá nhân đối với môi trường.

Công nghệ số sẽ được khai thác sử dụng để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng qua các giai đoạn để hình thành văn hóa sống xanh. Thông tin, dữ liệu lúc này đóng vai trò quan trọng bậc nhất để tạo ra môi trường thông minh. Cũng giống như chính phủ số (CPS), người dân sẽ được đặt vào vị trí trung tâm trong phát triển môi trường thông minh. Đích đến cần đạt là người dân có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động BVMT với sự trợ giúp của các nền tảng công nghệ số.

CĐS từ góc nhìn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Luật BVMT mới được sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua ban hành vào năm 2020. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Luật năm 2020 đã thể hiện rõ các cam kết của Việt Nam trong BVMT hướng tới tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Các chính sách, công cụ kinh tế dùng trong tăng trưởng xanh như kinh tế tuần hoàn, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, mua sắm xanh, thị trường các-bon, dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, công nghiệp môi trường đã được luật hóa để đưa vào áp dụng tại Việt Nam.

Luật BVMT năm 2020 đã thể hiện rõ sự chuyển đổi để xây dựng một CPS trong lĩnh vực BVMT. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) về môi trường để hướng tới phát triển nền tảng số, kinh tế số về môi trường.

Trước hết, Nhà nước triển khai xây dựng các CSDL môi trường quốc gia, bộ, ngành và địa phương để thực hiện quản lý tổng thể các lĩnh vực BVMT dựa trên dữ liệu số. Các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành môi trường như đánh giá ĐTM, cấp phép môi trường, thanh tra, kiểm tra, quan trắc môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học,… sẽ được đưa vào sử dụng ở các cấp để số hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang môi trường số. Dịch vụ công trực tuyến được xây dựng triển khai để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính được cải cách theo hướng tinh gọn, giảm bớt các giấy tờ phải giao nộp bằng các loại văn bản điện tử, dữ liệu số đã được lưu trữ sẵn sàng trong cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các nguồn lực xã hội hóa được khuyến khích huy động dùng cho các dự án CĐS trong phát triển môi trường thông minh, kinh tế số về môi trường. Các giải pháp thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số có thể được đưa vào áp dụng để giải quyết các bài toán yêu cầu nghiệp vụ phân chia thành các miền dịch vụ sau đây (theo Luật BVMT năm 2020):

Bảo vệ chất lượng môi trường bao gồm việc lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, các hoạt động quan trắc, điều tra, đánh giá, dự báo về chất lượng, khả năng chịu tải đối với môi trường nước, không khí và đất; phát hiện, xử lý nguồn ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và cải thiện môi trường bị ô nhiễm; công bố và cảnh báo kịp thời về chất lượng môi trường nhằm giảm thiểu các tác động đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế – xã hội.

Bảo vệ di sản thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn cảnh quan sinh thái; cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm các hoạt động BVMT đối với khu kinh tế; khu sản xuất, kinh doanh (SXKD), dịch vụ tập trung; cụm công nghiệp; làng nghề; các cơ sở SXKD, dịch vụ; BVMT trong sản xuất nông nghiệp; hoạt động y tế; mai táng, hỏa táng; hoạt động xây dựng; hoạt động giao thông vận tải; hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; hoạt động thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí; trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm; nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa; nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài.

BVMT đô thị và nông thôn bao gồm các hoạt động theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử, bảo đảm tỉ lệ không gian xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị và khu dân cư; BVMT nơi công cộng; hình thành lối sống xanh đối với các cá nhân và hộ gia đình. Quản lý chất thải bao gồm quản lý nước thải, khí thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại.

Quản lý chất thải với mục tiêu kiểm soát việc phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường, gồm các biện pháp quản lý và giảm thiểu phát sinh chất thải trong toàn bộ quá trình phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải; áp dụng các giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; áp dụng cộng nghệ sản xuất sạch hơn.

Luật BVMT 2020 cũng đưa vào áp dụng mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) trong quản lý chất thải để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. EPR là một cách tiếp cận của chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Một cổng thông tin điện tử EPR quốc gia sẽ được xây dựng để có thể triển khai chính sách dựa trên công nghệ số.

Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải (gọi chung là sự cố chất thải) và do các nguyên nhân khác như hóa chất, phóng xạ, dầu tràn, dịch bệnh; cung cấp các dịch vụ ứng phó và phục hồi sau sự cố môi trường. Công nghệ số được khai thác để quản lý dữ liệu, phân tích, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường, lập kế hoạch, công khai thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Bồi thường thiệt hại về môi trường do ô nhiễm, suy thoái môi trường. Bên cạnh các quy định pháp lý, công nghệ số sẽ hỗ trợ công tác giám định, xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; ước tính thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Ứng phó biến đổi khí hậu là việc triển khai các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra các chính sách về kiểm kê khí nhà kính và phát triển thị trường các-bon trong nước để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các-bon tại Việt Nam vào năm 2050. Một CSDL quốc gia về biến đổi khí hậu sẽ được xây dựng để kiểm soát được việc phát hành các tín chỉ các-bon và số liệu kiểm kê lượng phát thải ròng khí nhà kính ra môi trường.

Phát triển kinh tế xanh nhờ việc đưa vào áp dụng các công cụ kinh tế trong BVMTnhư trái phiếu xanh, tín dụng xanh, mua sắm xanh; ký quỹ BVMT, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, phát triển thị trường các-bon; phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng thị trường các sản phẩm sinh thái và dịch vụ thân thiện môi trường ở trong nước.

Luật BVMT năm 2020 đã thể hiện được đầy đủ các chính sách đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam. Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, CĐS đang là phương thức hiệu quả nhất để đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Việc ứng dụng các nền tảng công nghệ số lúc này đã không còn là sự lựa chọn mà là điều kiện cần để triển khai được các quy định nằm trong luật./.

Theo https://ictvietnam.vn/

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.