CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Cần Thơ: Thiết lập mạng lưới xử lý chất thải và nước thải

0

Đối với chất thải rắn, thành phố Cần Thơ đã quy hoạch 3 vùng xử lý. Về xử lý nước thải, thành phố sẽ tiếp tục tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải.

Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết, theo Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Cần Thơ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt thì trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 03 vùng xử lý chất thải rắn.

Vùng 1: Khu xử lý chất thải rắn Ô Môn (phường Phước Thới, phường Thới An, quận Ô Môn). Khu này có diện tích 47ha, hiện nay đã giải phóng mặt bằng 100%. Khu xử lý chất thải rắn Ô Môn xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng, công nghiệp thông thường, bùn thải tự bể tự hoại và bùn thải từ hệ thống thoát nước, chất thải rắn y tế.

Vùng 2: Khu xử lý chất thải rắn tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Diện tích khu này khoảng 60ha, đã giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 khoảng 20ha. Khu xử lý chất thải rắn Thới Lai xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại và bùn thải từ hệ thống thoát nước, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại. Hỗ trợ chôn lấp sau xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Hiện nay, nơi đây đã xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ, với công nghệ đốt rác phát điện, diện tích khoảng 5,3ha, công suất 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, rác được biến thành điện với công suất 150.000Kwh/ngày, sau đốt rác chỉ còn 5% tro bay, tro xỉ chôn lấp, với tổng mức đầu tư 1.050 tỷ đồng, do Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ đầu tư. Nhà máy đã được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 12/2019.

Vùng 3: Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Vĩnh Thạnh. Khu này có diện tích khoảng 40ha, tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh. Nơi đây xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại và bùn từ hệ thống thoát nước, chất thải công nghiệp thông thường. Hiện nay, khu này chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.

Về thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ đã có các văn bản gửi UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Ngoại vụ đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư của thành phố. Ðồng thời, đề nghị kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, vốn vay ODA như tổ chức Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế Giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW).

Tuy nhiên, do việc đầu tư hệ thống mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng khả năng đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Ðồng thời, việc kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách đối với các dự án thoát nước chưa thật sự hấp dẫn với nhà đầu tư, do khả năng thu hồi vốn thấp. Vì vậy, tới thời điểm hiện nay thành phố vẫn chưa thể đầu tư các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch được duyệt.

Thời gian tới, Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ tiếp tục theo dõi và tích cực kêu gọi, tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn thành phố. Ðặc biệt là việc đầu tư hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn quận Bình Thủy, Cái Răng và Ninh Kiều. Qua đó, nhằm giảm thiểu khả năng ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững thành phố trong tương lai.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.