CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bộ TN&MT lấy ý kiến xây dựng Chương trình MTQG về BVMT, ứng phó BĐKH

0

(TN&MT) – Ngày 12/10, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với các bộ về xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 – 2030”.

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ TN&MT, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an,… cùng các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

img_4631.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường – PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết: Tại Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thực hiện sự chỉ đạo, Bộ TN&MT đã xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 – 2030”.

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, mục tiêu của Chương trình nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và suy giảm đa dạng sinh học; đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái; chủ động thích ứng BĐKH phòng chống thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh hướng tới nền kinh tế xanh bền vững…

Trong công tác bảo vệ môi trường, Chương trình đặt ra 3 nội dung gồm: Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Về nội dung ứng phó BĐKH, chương trình tập trung vào phát triển hệ thống giám sát BĐKH, xử lý chất thải thành năng lượng, giảm khí nhà kính, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng và thu giữ các-bon, giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông, giảm khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị và các công trình xây dựng xanh thân thiện môi trường.

img_4633.jpg
Bộ TN&MT lấy ý kiến xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Cùng với trình bày nội dung trong “Chương trình mục tiêu Quốc gia bảo vệ môi trường, ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 – 2030”, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ đồng thời nhấn mạnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề cấp thiết có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, trong điều kiện ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực lên mọi hoạt động của các ngành, lĩnh vực trong xã hội, đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, theo đó, công tác BVMT, ứng phó với BĐKH trong tình hình mới cần đáp ứng những yêu cầu mới, vừa phục vụ mục tiêu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài. Trong lộ trình chung, phải xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có bước đi phù hợp từng giai đoạn.

Bên cạnh những thách thức đã chỉ ra, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ cũng cho rằng, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH, hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội khẳng định nỗ lực, quyết tâm, trí tuệ, năng lực của chung trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, trong cuộc họp này, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ mong muốn các bộ, ban ngành đưa ra các đánh giá, phân tích đóng góp cho việc hoàn thiện “Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 – 2030”.

img_4643.jpg
TS Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ đều khẳng định sự cần thiết xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 – 2030”. Các ý kiến đều chung quan điểm, cần bám sát các nội dung Nghị quyết 24 và Kết luận 56 đã đề ra để xây dựng Chương trình một cách khoa học, tránh trùng lặp các dự án đang triển khai, trong đó, tập trung xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới.

Đóng góp ý kiến về công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, TS Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT Chương trình cần hướng trọng tâm đến đánh giá suy giảm đa dạng sinh học, đánh giá ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm tại làng nghề và các lưu vực sông và mối liên quan giữa ô nhiễm môi trường với biến đổi khí hậu. Trong xây dựng Chương trình, cần gắn với các nội dung Bộ TN&MT đang triển khai như thực hiện cam kết giảm phát thải hướng đến mục tiêu Net Zero, Chiến lược Quốc gia về BĐKH, các đề án về môi trường…

Theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, đầu tư cho BVMT, ứng phó với BĐKH phải được đặt vào vị trí Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, cần đề cập đến vấn đề đầu tư cho hạ tầng thích ứng, đầu tư công với vai trò là động lực, dẫn dắt cho việc thúc đẩy, thu hút tư nhân, đầu tư nước ngoài về lâu dài. Đồng thời, cần giải pháp trong phân bổ ngân sách Trung ương, đầu tư vốn hỗ trợ các dự án.

img_4648.jpg
TS Hoàng Văn Thức – Cục Trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT nhận định về vấn đề nguồn lực

Đề cập đến vấn đề nguồn lực, TS Hoàng Văn Thức – Cục Trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT nhận định, nguồn lực đầu tư cải tạo môi trường được đề cập trong Chương trình mục tiêu quốc gia là chưa nhiều, vì vậy, cần tập trung nguồn lực cho vấn đề cải tạo ô nhiễm môi trường, trong đó, cấp thiết tập trung đầu tư nguồn ngân sách để cải tạo, phục hồi ô nhiễm các dòng sông và nước thải sinh hoạt, nhất là các nhà máy xử lý nước thải, đặc biệt là cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Theo dự tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 7 tỷ đô la để nhập và công nghệ tiến tiến trong việc xử lý nước thải. Vì vậy, việc huy động nguồn vốn cần lập kế hoạch rõ ràng, cụ thể và chi tiết để có thể thực hiện đề xuất hợp lý.

img_4653.jpg
Ông Trương Anh Sơn – đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ý kiến

Trong ý kiến đóng góp từ ông Trương Anh Sơn – đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Bộ TN&MT cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong việc xử lý chất thải khu vực nông thôn, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đối với ô nhiễm sông hồ. Cân nhắc lại nguồn ngân sách đầu tư cho việc xử lý hệ thống sông ô nhiễm nặng bởi đây là một trong những nội dung vô cùng khó khăn, trong bối cảnh ô nhiễm hiện tại, dự tính phần trăm nguồn ngân sách đề ra trong Đề xuất là rất khó thực hiện.

Đối với việc huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cân đối, ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình và hàng năm theo yêu cầu của Quốc hội. Do đó, trong đề xuất ông Sơn đề nghị Bộ TN&MT xác định đối tượng cụ thể cần đầu tư, tránh việc liệt kê chung chung, đầu tư dàn trải.

Kết luận cuộc họp, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, Viện Chiến lược chính sách Bộ TN&MT trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu. Đây sẽ là những ý kiến quý giá để Bộ TN&MT và Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường hoàn thiện xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 – 2030” một cách khoa học, phù hợp, đáp ứng giải quyết các vấn đề thực tiễn về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi đặt ra, đáp ứng lâu dài mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ bày tỏ, Viện CLCS TN&MT sẽ điều chỉnh, bổ sung các nội dung cần thiết, phù hợp; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp, xây dựng từ các bộ để sớm hoàn thiện Chương trình, nâng cao năng lực BVMT, ứng phó BĐKH, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.