Chính phủ ban hành chỉ đạo quan trọng về việc không tiếp tục duy trì các Cổng Dịch vụ công riêng lẻ tại cấp bộ và cấp tỉnh. Thay vào đó, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ trở thành điểm truy cập “một cửa số” tập trung và duy nhất trên toàn quốc, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc cải cách hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đây là nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 08/05/2025 của Chính phủ, thể hiện quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo tập trung quyết liệt thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong tháng 05 và tháng 06/2025).
Chủ động rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi (dự kiến ngày 01/07/2025), bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, liên tục; hoàn thành trước ngày 30/06/2025.
Đáng chú ý, nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 6.2025;
Thực hiện không duy trì Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh theo Thông báo số 14-TB/TGV ngày 21/04/2025 của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai cổng Dịch vụ công quốc gia là điểm “một cửa số”tập trung duy nhất của quốc gia.
Rà soát, công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; số hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở tái sử dụng thông tin, dữ liệu, giấy tờ đã số hóa, tích hợp trên VNelD, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho dữ liệu của cá nhân, tổ chức.
Giải quyết 2.212 dự án khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài với tổng kinh phí gần 5,9 triệu tỉ đồng và trên 347 nghìn ha đất.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng 02 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 56/TB-VPCP ngày 23/02/2025 kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Thông báo kết luận nêu rõ mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đến ngày ngày 30/06, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc. Hết tháng 06/2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Theo antoanthongtin.vn