CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, QUAN TRẮC ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Việt Nam – thị trường bảo hiểm xanh tiềm năng

0

Việt Nam đã bước đầu có cơ sở pháp lý để phát triển thị trường bảo hiểm xanh. Đồng thời, định hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải, hướng đến Net Zero sẽ tạo thuận lợi cho ngành phát triển trong tương lai.

Cơ sở pháp lý

Từ năm 2005, Việt Nam đã tiếp cận với loại hình bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường thông qua quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các quy định về loại hình bảo hiểm này đã được thay thế bằng Luật Bảo vệ môi trường 2014; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác.

Từ ngày 1/1/2021, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thay thế cho Luật bảo vệ môi trường 2014. Cụ thể, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm hoạt động dầu khí, sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu; sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ, hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vấn đề còn được đề cập trong các quy định pháp luật khác tại Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, cùng một số văn bản như Nghị định 92/2015/NĐ-CP, Thông tư 13/2012/TT-BTC… nhưng cho đến nay, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường chưa được triển khai hiệu quả trong thực tế, chưa có quy định cụ thể để thực hiện cũng như chưa thu hút được các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đầu tư loại hình bảo hiểm này.

Ngày 01/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thay thế cho Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 -2020, tầm nhìn đến năm 2050” và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. So với quyết định số 1393/QĐ-TTg (2012) của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, thì ở quyết định mới này đã có đề cập đến bảo hiểm xanh nhưng vẫn chưa có những quy định chi tiết về bảo hiểm xanh.

Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã góp phần hình thành nên khuôn khổ pháp lý cao nhất về hoạt động bảo hiểm xanh ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu những văn bản pháp lý quy định rõ, chi tiết về bảo hiểm xanh, để làm cơ sở pháp lý thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh tại Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường bảo hiểm xanh. Ảnh minh hoạ

Triển khai bảo hiểm xanh tại Việt Nam

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm là một lực lượng quan trọng đóng góp vào quá trình giảm thiểu carbon của nền kinh tế các nước, hướng tới phát thải carbon ròng bằng 0. Rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế lớn đưa ra những chính sách mạnh mẽ để thực hiện cam kết ESG. Một trong những động thái mạnh mẽ nhất đó là nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm bảo hiểm xanh như Bảo hiểm trách nhiệm môi trường, Bảo hiểm xanh cho xe cơ giới, Bảo hiểm năng lượng tái tạo xanh…

Tại Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm xanh đã “nhen nhóm” từ năm 2005 khi có sự ra đời của bảo hiểm trách nhiệm môi trường thông qua quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên tại thời điểm này vẫn chưa có những khái niệm hay quy định rõ ràng nào về bảo hiểm xanh. Phải đến tận năm 2012, khi Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” được ban hành thì những cụm từ như bảo hiểm xanh mới thật sự xuất hiện.

Thực trạng triển khai nêu trên cho thấy việc triển khai sản phẩm bảo hiểm xanh tại Việt Nam bước đầu được quan tâm, Chính phủ đã xác định rõ cần phải thúc đẩy bảo hiểm xanh để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam bước đầu đã nghiên cứu, triển khai một số sản phẩm bảo hiểm xanh để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của khách hàng, mở rộng thị phần, tăng vị thế cạnh tranh của mình đồng thời chung tay hướng đến một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Qua đó cho thấy, thị trường bảo hiểm Việt Nam là thị trường tiềm năng của bảo hiểm xanh.

Trích ngun monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.