CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bảo vệ các vùng đất ngập nước – tầm quan trọng sống còn

0

Với chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người”, Ngày Đất ngập nước Thế giới 2024 hướng tới làm nổi bật mối liên hệ giữa việc duy trì, bảo tồn các vùng đất ngập nước để bảo đảm phúc lợi toàn diện của con người. Qua đó, nâng cao nhận thức của con người trong việc quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên đất ngập nước.

Ngày Đất ngập nước Thế giới là một sự kiện để cả thế giới cùng hướng sự chú ý tới việc bảo vệ các vùng đất ngập nước, một phần quan trọng của hệ sinh thái và có tác động trực tiếp tới sự sống của các sinh vật trên trái đất. Sự kiện này được tổ chức vào ngày 2/2 hàng năm, bắt đầu từ năm 1997, và chính thức trở thành một ngày quốc tế của Liên hợp quốc từ năm 2022.

Đây cũng là dịp kỷ niệm ngày Công ước về Đất ngập nước (Công ước Ramsar), được thông qua vào năm 1971. Công ước này được coi là hiệp định môi trường đa phương toàn cầu hiện đại đầu tiên, tập trung vào một hệ sinh thái cụ thể là vùng đất ngập nước. Công ước đã có sự tham gia ký kết của gần 90% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Các vùng đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của một sinh vật sống trên trái đất, đặc biệt là con người, bao gồm bảo đảm nguồn nước, lương thực, sinh kế, văn hoá và hệ sinh thái.

Áp phích Ngày Đất ngập nước Thế giới 2024

Vùng đất ngập nước là gì?

Đất ngập nước là một kiểu môi trường sống rộng lớn, tạo nên sự sống trên Trái đất. Các hệ sinh thái, trong đó nước là yếu tố chính kiểm soát môi trường và đời sống thực vật và động vật.

Hiện nay, các vùng đất ngập nước bao phủ khoảng 6% bề mặt đất của Trái đất, bao gồm các vùng đất ngập nước mặn hoặc nước ngọt, nội địa hoặc ven biển, tự nhiên hoặc nhân tạo, thường xuyên hoặc tạm thời, tĩnh hoặc chảy.

Trong đó, vùng đất ngập nước ngọt bao gồm sông, hồ, ao, vùng đồng bằng ngập lũ, vùng đất than bùn, đầm lầy, đầm lầy; vùng đất ngập nước mặn bao gồm cửa sông, bãi bồi, đầm lầy nước mặn, rừng ngập mặn, đầm phá, rạn san hô, rạn sò ốc; và các vùng đất ngập nước nhân tạo bao gồm ao cá, ruộng lúa, hồ chứa, ruộng muối.

Khi các chuyên gia liên tiếp đưa ra cảnh báo về nguy cơ khan hiếm nguồn nước ngọt trong tương lai gần, đất ngập nước là một trong những nguồn cung nước ngọt phổ biến nhất. Đây là hệ sinh thái giàu phù sa và thực vật, có khả năng lưu trữ nước một cách tự nhiên. Các vùng đất này cũng được coi là “quả thận” của trái đất,

“Tầm quan trọng sống còn”

Bên cạnh việc cung cấp nguồn nước ngọt, đất ngập nước còn tác động tới nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống con người.

Về an ninh lương thực, trong hàng nghìn năm, con người đã xây dựng các khu định cư gần vùng đất ngập nước để trồng trọt, chăn nuôi đánh bắt thuỷ sản, khai thác các nguồn thực phẩm và nước ngọt.

Các sản phẩm được trồng ở vùng đất ngập nước được sử dụng làm nguồn thưc phẩm chính cho khoảng 50% dân số thế giới. Trong đó, hơn 1 tỷ người mua và sử dụng cá đánh bắt từ vùng đất ngập nước làm nguồn thực phẩm cung cấp protein chính và các đồng lúa trồng ở đất ngập nước có thể đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho hơn 3,5 tỷ người.

Diện tích nông nghiệp được tưới tiêu trên thế giới đã tăng gấp đôi sau 50 năm. Trong đó, 70% lượng nước khai thác từ các vùng đất ngập nước trên thế giới được phục vụ cho mục đích nông nghiệp. Việc tưới tiêu đặc biệt quan trọng ở những vùng có lượng mưa thấp hoặc thất thường. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản trở thành ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất.

Về lĩnh vực sức khoẻ, Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, sức khỏe con người, động vật nuôi và động vật hoang dã, thực vật và các môi trường rộng hơn (bao gồm cả hệ sinh thái) có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.

Trong đó, các vùng đất ngập nước cung cấp các dịch vụ giúp đảm bảo sức khoẻ con người, bao gồm cung cấp nguồn nước sạch, đảm bảo an ninh lương thực và giá trị dinh dưỡng, không khí sạch, thuốc men, ổn định khí hậu và bảo vệ con người khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Việc bảo tồn các vùng đất ngập nước, do đó, cũng vô cùng cần thiết. Quản lý hiệu quả các vùng đất ngập nước sẽ giúp đảm bảo nước uống sạch, giảm đáng kể nguy cơ bệnh tật và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới còn 2,2 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước uống đảm bảo và 485.000 người chết mỗi năm vì vấn đề này.

Nhiều nghiên cứu được thực hiện cũng chỉ ra rằng việc bảo vệ cảnh quan vùng đất ngập nước cũng sẽ có tác động tích cực tới sức khoẻ tinh thần con người. Trong đó, vùng đất ngập nước mang lại cho con người sự liên kết với thiên nhiên, giúp cân bằng cảm xúc, góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, hệ sinh thái này cũng được khai thác phục vụ các mục đích giải trí, bao gồm câu cá, các hoạt động thể thao dưới nước, bơi lội, giúp con người thư giãn và kiểm soát căng thẳng.

Hình ảnh một khu bảo tồn Ramsar ở Italy

Về mặt kinh tế, đất ngập nước cung cấp việc làm và giúp xóa đói giảm nghèo cho cả cộng đồng địa phương. Trong đó, vùng đất ngập nước đã đảm bảo sinh kế cho khoảng 1/8 người, tương đương với hơn 1 tỷ người trên thế giới. Ngành nghề phổ biến nhất là trồng lúa, với xấp xỉ 80% lúa gạo trên thế giới được nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ. Ngoài ra, hơn 660 triệu người sống nhờ nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Lĩnh vực du lịch và lữ hành hỗ trợ 266 triệu việc làm, chiếm 8,9% tổng số việc làm trên thế giới. Những cơ hội kinh tế này đã mang lại lợi ích cho người dân bản địa.

Cuối cùng, các vùng đất ngập nước đóng vai trò không thể phủ nhận trong nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ sinh thái này bảo vệ 60% cộng đồng sinh sống dọc theo bờ biển trước nguy cơ mực nước dâng do bão, gió lốc và sóng thần. Mỗi mẫu đất ngập nước có khả năng hấp thụ tới 1,5 triệu gallon nước lũ, giúp giảm lũ lụt, trì hoãn và giảm bớt hạn hán.

Đất ngập nước cũng có thể lưu trữ nhiều carbon hơn bất kỳ hệ sinh thái nào khác trên Trái đất. Cụ thể, các vùng đất ngập nước ven biển lưu trữ carbon nhanh hơn tới 55 lần so với rừng nhiệt đới.

Để nhấn mạnh về tầm quan trọng của hệ sinh thái đất ngập nước, tuyên bố của cộng đồng người Trung Mỹ sống gần các khu Ramsar từng viết: “Chúng tôi, đại diện của các dân tộc Trung Mỹ từ Belize đến Panama, coi vùng đất ngập nước có tầm quan trọng sống còn, là nguồn sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai, cung cấp cho chúng tôi nguồn nước dồi dào và hệ thực vật và động vật phong phú, cung cấp thực phẩm và thuốc tự nhiên. Nguồn tài nguyên này cần được sử dụng một cách bền vững.”

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.