CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bảo tồn các hệ sinh thái đặc hữu

0

Để kịp thời bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái đặc hữu, các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Bến Tre… đã ban hành loạt quy hoạch, kế hoạch, đề án để tổ chức triển khai.

Xây dựng Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam

Tháng 3/2024, UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã chính thức công bố đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Trung tâm này được xây dựng nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; cứu hộ các loài thực vật và động vật hoang dã quý, hiếm ở khu vực miền Trung và cả nước; đặc biệt là các loài có nguy cơ tuyệt chủng, cứu hộ các cá thể nhận được từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm; Giáo dục môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho học sinh, sinh viên và công chúng trên địa bàn và khu vực.

Theo quy hoạch, Trung tâm có tổng diện tích 175ha; trong đó giai đoạn 1 đã thực hiện khoảng 16,8ha và giai đoạn 2 khoảng 158,2ha, quy mô phục vụ khoảng 500 người. Ranh giới thuộc xã Phong Mỹ, phía Bắc giáp đất ở và đường giao thông nối vào suối Khe Me; phía Nam giáp rừng phòng hộ và rừng trồng sản xuất; phía Tây giáp rừng phòng hộ thôn Tân Mỹ và suối Khe Me; phía Đông giáp rừng trồng sản xuất.

Đây là khu vực có điều kiện thiên nhiên về khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất… khá đặc trưng cho hầu hết các tỉnh miền Trung và duyên hải từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa.

Khu Dự trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm (Ảnh: Phương Linh)

Xây dựng hành lang đa dạng sinh học

UBND tỉnh Nghệ An mới đây đã ban hành Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An đến năm 2027, định hướng đến năm 2030.

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có tổng diện tích 1.299.795 ha (lớn nhất khu vực Đông Nam Á). Đây là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu vực này có mức độ đa dạng sinh học cao với sự đa dạng và phong phú về loài, hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật. Hiện đã ghi nhận 3.627 loài thực vật. Trong đó có nhiều loài thực vật nguy cấp, quý hiếm với 134 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 20 loài trong Danh mục cảnh báo nguy cơ suy thoái và tuyệt chủng của IUCN 2021…

Theo đó, Kế hoạch của tỉnh Nghệ An nhằm bảo vệ và giải quyết các tình trạng suy thoái môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn tới, tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện điều tra, đánh giá về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn, trọng tâm là bảo vệ giá trị đa dạng sinh học, đa dạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng bản sắc văn hóa và tri thức truyền thống, giữ vững mức độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Tiến tới, Nghệ An xây dựng tổng thể các hành lang đa dạng sinh học, kết nối hành lang Vườn Quốc gia Pù Mát – đỉnh Pù Xai Lai Leng – Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với các hành lang liên vùng và liên biên giới với Lào… Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Xai Lai Leng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; nghiên cứu phương án chuyển khu vực có tính đa dạng sinh học cao và đặc sắc từ xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đến xã Nậm Càn và xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn thành rừng đặc dụng, kết nối với Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bồi hoàn sinh thái Bôlykhamxay (Lào).

Nghệ An cũng sẽ xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái thông qua các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, khai thác và quản lý hiệu quả, bền vững các tài nguyên thiên nhiên rừng, giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống cộng đồng.

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND tỉnh Bến Tre thông qua.

Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới trong giai đoạn 2021 – 2030, đáp ứng yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 2% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2030; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 1,52%/năm.

Mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng.

Giải pháp của tỉnh Bến Tre là cụ thể hóa hệ thống cơ chế, chính sách lâm nghiệp; ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu của đề án nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trích nguồn monre.gov.vn

 

 

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.