CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Nên có thêm ưu đãi, hỗ trợ cho dự án xử lý nước thải đơn lẻ

0

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mở rộng danh mục hoạt động được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, bao gồm cả dự án xử lý nước thải, khí thải của các cơ sở sản xuất đơn lẻ sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tăng hiệu quả cho vay của các Quỹ Bảo vệ môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, cử tri phản ánh, tỷ lệ cho vay của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương hiện nay bị hạn chế, số vốn còn lại chưa thực hiện cho vay còn khá nhiều. Nguyên nhân là do đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Bình Dương là rất ít.

Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định thống nhất mô hình tổ chức hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường; Hướng dẫn quy chế quản lý tài chính riêng cho các Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương. Đồng thời, xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về môi trường tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục XXX ban hành kèm theo Nghị định. Như vậy, hiện nay, danh mục hoạt động môi trường được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đã được quy định chi tiết.

Nên có nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho dự án xử lý nước thải đơn lẻ

Căn cứ tình hình thực tiễn cho vay ưu đãi và ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với ý kiến của cử tri tỉnh Bình Dương về mở rộng đối tượng cho vay của các Quỹ Bảo vệ môi trường; nếu mở rộng danh mục hoạt động được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, bao gồm cả dự án xử lý nước thải, khí thải của các cơ sở sản xuất đơn lẻ sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tăng hiệu quả cho vay của các Quỹ Bảo vệ môi trường. Thực tế, trước đây các dự án xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất đơn lẻ đã từng là đối tượng cho vay của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường còn thông tin: Theo quy định tại Điều 151 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cho vay ưu đãi, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, UBND tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Trong khi đó, Điều 159 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định về tổ chức và hoạt động, cơ chế tài chính đối với quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Như vậy, quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ bảo vệ môi trường địa phương thuộc về địa phương, không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.