Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách về xây dựng định mức chi phí tái chế Fs cho Việt Nam, nhằm hỗ trợ Bộ TN&MT thực thi hiệu quả cơ chế EPR.
Theo WWF Việt Nam, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT đã có quy định các giải pháp tái chế được xem là hợp lệ. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho việc quản lý và giám sát quá trình vận hành của hệ thống EPR, nhất thiết phải ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm tái chế, bởi với các yêu cầu sản phẩm khác nhau (thêm phụ gia, các quá trình tinh chế, làm sạch bổ sung) thì chi phí tái chế cũng khác nhau. Bên cạnh đó, cần thiết phải ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật cho hoạt động phân loại, thu gom và vận chuyển sản phẩm, bao bì thải vì đây sẽ là một nội dung quan trọng để các cơ quan quản lý địa phương triển khai hiệu quả hệ thống phân loại, thu gom CTRSH.
Ở thời điểm hiện tại, do định mức kinh tế, kỹ thuật này chưa được ban hành nên chi phí được tạm tính từ hoạt động của hệ thống thu gom phế liệu tư nhân đang hoạt động hiệu quả hiện nay.
Việt Nam cần xem xét đến việc điều chỉnh định mức chi phí tái chế
Việt Nam cũng cần xem xét đến việc điều chỉnh định mức chi phí tái chế theo hướng các sản phẩm đang được tái chế hiệu quả sẽ áp dụng Fs thấp, các sản phẩm chưa được tái chế hiệu quả hoặc chưa được tái chế ở Việt Nam sẽ áp dụng Fs cao.
Một vấn đề cần tính đến là trong các loại vật liệu bao bì, chi phí tái chế nhựa là khá thấp so với giấy, và vì thế nếu Fs cao sẽ gây xu hướng khiến các nhà sản xuất chuyển đổi từ bao bì giấy sang bao bì nhựa để giảm chi phí. Như vậy, việc chuyển đổi này sẽ trái ngược với quan điểm của EPR cũng như định hướng giảm sử dụng bao bì nhựa hiện nay đã được quy định trong Điều 73, Luật BVMT 2020.
Để khắc phục điểm này, Nhóm tư vấn của WWF Việt Nam đưa ra một hệ số xem xét đến hiệu quả tái chế. Theo đó, loại sản phẩm, bao bì nào đang được tái chế hiệu quả và phổ biến ở Việt Nam hiện nay như bao bì giấy, bao bì nhôm, bao bì PET cứng… sẽ có hệ số nhỏ (và do đó, Fs sẽ thấp). Ngược lại, các sản phẩm, bao bì chưa được thu gom, tái chế hiệu quả bao bì sắt, các bao bì nhựa cứng, bao bì giấy hỗn hợp, bao bì mềm các loại… sẽ có hệ số cao hơn.
Trong các giai đoạn điều chỉnh Fs mỗi 3 năm về sau như quy định trong Khoản 5 Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các tiêu chí tính phí nâng cao nên được xem xét áp dụng, bao gồm tỷ lệ tái chế và sự có mặt của một số dạng chất nguy hại hoặc chứa nhiều chất độn đối với sản phẩm bao bì nhựa.
Theo quy định, mặc dù là chi phí hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì thải, nhưng hiện tại do chưa ban hành hướng dẫn kỹ thuật cụ thể nên việc xác định chi phí phân loại, thu gom và vận chuyển chỉ mang tính tương đối nhằm hỗ trợ hệ thống thu gom tư nhân đang hoạt động hiệu quả và kết nối trực tiếp hệ thống này với các cơ sở tái chế.
Khi hệ thống cơ sở hạ tầng phân loại, thu gom chất thải sinh hoạt tại địa phương được xây dựng theo Luật BVMT 2020 từ ngày 1/1/2025, thì phần chi phí này sẽ cần được tính toán lại cho phù hợp với định mức dự toán công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tương ứng với yêu cầu của Luật BVMT 2020.
Một điều cần thiết khác là cần phải có khung pháp chế phù hợp nhằm hạn chế hoạt động của các cơ sở tái chế phi chính thức, nghĩa là hạn chế dòng sản phẩm thải đi vào hệ thống này. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn cho vật liệu tái chế hoặc sản phẩm tái chế. Các tiêu chuẩn này, nếu được nghiên cứu ban hành sẽ hỗ trợ cho việc định hướng dòng chất thải đi vào hệ thống tái chế chính thức.
Nguồn: monre.gov.vn