Theo báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại khu vực nông thôn mới đạt 66%. Việc thu gom tại các vùng nông thôn thường không có các phương tiện vận chuyển chuyên dụng mà sử dụng các phương tiện xe thủ công để vận chuyển CTRSH đến điểm tập kết. Tại một số vùng nông thôn, còn tồn tại những lò đốt cỡ nhỏ cấp xã, không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN61:2016/BTNMT về lò đốt CTRSH. Hoạt động tái chế CTRSH còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường, còn thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương.
Trước thực trạng về vấn đề chất thải rắn nói chung, trong đó có vấn đề xử lý chất thải rắn nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đã đề ra các mục tiêu cụ thể liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn như sau:
Thứ nhất, 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ;
Thứ hai, 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường;
Thứ ba, việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
Thứ tư, 80% chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, biogas và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;
Thứ năm, 80% các phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường;
Thứ sáu, 100% các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ và được xử lý theo quy định của pháp luật (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 05 năm 2016 hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng).
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, trong đó quy định chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất (điểm d khoản 1 Điều 58). Bên cạnh đó, Luật cũng quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn bắt đầu được triển khai thực hiện từ 01/01/2025.
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng để quản lý chất thải rắn (trong đó có chất thải nông thôn) thống nhất theo định hướng thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, thu hồi năng lượng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và dự kiến ban hành trong năm 2023 làm căn cứ hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương trong cả nước.
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Khóa XV về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022), trong đó có nội dung nâng cao chất lượng môi trường nông thôn (nội dung thành phần số 07), cụ thể là:
Nội dung 01: Xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo theo quy định; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh.
Nội dung 02: Thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải nhựa…) theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa.
Ngoài ra Chính phủ hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình xử lý môi trường cấp xã, thôn; hỗ trợ các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng công trình xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt, chất thải.
Trong thời gian tới, để quản lý tốt chất thải rắn ở khu vực nông thôn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các nội dung sau:
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn, trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch mỗi địa phương; Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Hai là, tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn; Xây dựng và dự kiến ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng đến các công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.
Ba là, rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý. Trên cơ sở rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng, miền của mỗi địa phương để phổ biến áp dụng.
Năm là, các địa phương đẩy mạnh các phương pháp thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; giảm thiểu việc phát sinh chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tổng hợp chất thải rắn.
Sáu là, xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn… Theo đó, khi có được sự đồng lòng, thống nhất giữa người dân, cơ quan quản lý, cùng những định hướng chính sách phù hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp thì bài toán rác thải nông thôn sẽ sớm được giải quyết.
Nguồn: monre.gov.vn