Sáng kiến Chuyển đổi xanh (GX) do chính phủ Nhật Bản dẫn đầu nhằm hiện thực hoá các cam kết đầy tham vọng về môi trường và chống biến đổi khí hậu của nước này.
Vào tháng 10/2020, chính phủ Nhật Bản đã đề ra mục tiêu giảm phát thải ròng xuống “0” vào năm 2050 và nâng mục tiêu giảm phát thải năm 2030 lên 46% so với mức năm 2013. Những động thái này đã làm nổi bật cam kết kiên định của Nhật Bản đối với vấn đề trung hoà carbon.
Để đạt được mục tiêu trên, Nhật Bản đã phát triển Chiến lược Tăng trưởng Xanh toàn diện, tận dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), để khử carbon trong nhiều lĩnh vực khác nhau và tối đa hoá hiệu quả sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, Tokyo cũng đã thành lập Quỹ Đổi mới Xanh, với ngân sách lên tới 2 nghìn tỷ yên (18,2 tỷ USD), để kích thích các nỗ lực triển khai nghiên cứu – phát triển (R&D) và xã hội đầy tham vọng trong thập kỷ tới.
Với mục tiêu cụ thể, chiến lược toàn diện, các cam kết và sáng kiến xanh, Nhật Bản đã truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác trong tiến trình chuyển đổi vì môi trường.
* Chuyển đổi về năng lượng
Nhật Bản cho biết sáng kiến Chuyển đổi xanh được xây dựng nhằm thúc đẩy các công ty theo đuổi các hợp đồng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) linh hoạt và ngắn hạn hơn, hướng tới mục tiêu khử carbon trên toàn quốc.
Để hiện thưc hoá sáng kiến này, Nhật Bản sẽ cần sử dụng cả năng lượng hạt nhân, tăng cường năng lượng tái tạo và đề ra cơ chế định giá carbon, đồng thời vẫn phải đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, việc Nhật Bản “hồi sinh” chính sách năng lượng hạt nhân sẽ tác động rất lớn tới nhu cầu LNG của nước này, đặc biệt là khi tỷ lệ công ty điện sử dụng năng lượng hạt nhân tương đối thấp.
Theo sáng kiến Chuyển đổi xanh, Nhật Bản sẽ xem xét thay thế các lò phản ứng hạt nhân đã được quyết định ngừng hoạt động bằng “các lò phản ứng thế hệ tiếp theo cải tiến” tại cùng một nhà máy điện. Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách điện hạt nhân của Tokyo kể từ thảm kịch động đất và rò rỉ hạt nhân tại Fukushima năm 2011.
Chiến lược thực hiện GX cũng cho phép Nhật Bản kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng, với sự đảm bảo đến từ Cơ quan quản lý hạt nhân.
Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức An ninh Kim loại và Năng lượng Nhật Bản, cho biết với việc thúc đẩy chính sách theo hướng trung hòa carbon vào năm 2050, Tokyo sẽ tích cực tìm kiếm và tăng cường năng lực thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) để sản xuất điện.
Các nguồn tin của Nhật Bản lưu ý các hợp đồng linh hoạt cung cấp LNG theo thời hạn đóng vai trò quan trọng, cho phép các công ty điện lực cân bằng trước những biến động có thể xảy ra do mức sử dụng năng lượng hạt nhân thấp hiện nay.
Một số công ty điện lực Nhật Bản có kế hoạch chuyển trọng tâm các hợp đồng cung cấp LNG có kỳ hạn sang các hợp đồng ngắn hạn trong khoảng 5-10 năm sau năm 2030. Việc này sẽ giúp các công ty linh hoạt hơn và thích ứng được với bất kỳ sự thay đổi nào trong nhu cầu.
Các dự luật liên quan đến GX cũng bao gồm cơ chế định giá trợ cấp phát thải CO2 cho các công ty sản xuất điện lớn từ năm tài chính 2033-2034, hướng tới căt giảm hoàn toàn việc sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch.
Theo sáng kiến GX, Nhật Bản có kế hoạch triển khai hệ thống trao đổi hạn ngạch khí thải hoàn chỉnh vào năm tài khoá 2026-27. Trước đó, Nhật Bản dự kiến triển khai giai đoạn đầu tiên của ETS, với sự tham gia tự nguyện của các công ty trong 3 năm, cho đến cuối tháng 3/2026.
Ngoài ra, Tokyo cũng có kế hoạch áp phụ phí carbon đối với các nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ năm tài khoá 2028 – 2029.
Tập đoàn Hitachi công bố hệ thống quản lý năng lượng và môi trường của công ty. (Ảnh: Hitachi)
* Chuyển đổi công nghệ xanh
Khi phát triển bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của thế giới, việc chuyển đổi công nghệ xanh cũng được các doanh nghiệp chú trọng. Quá trình chuyển đổi công nghệ xanh bao gồm các hoạt động thân thiện với môi trường như giảm mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị công nghệ thông tin, kiểm soát các chất độc hại và nâng cao hiệu quả của các cơ sở hỗ trợ.
Bán lẻ và sản xuất là các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ chuyển đổi công nghệ xanh. Bằng cách sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, tối ưu hoá hoạt động của trung tâm dữ liệu và sử dụng các dịch vụ dựa trên đám mây, các ngành này đã giảm đáng kể mức tiêu thụ và phát thải khí nhà kính. Các công ty sẽ cần xác định các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, qua đó thiết lập động lực chuyển đổi và đảm bảo nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi xanh.
Khi mối quan tâm toàn cầu ngày càng chuyển sang tính bền vững, việc tích hợp công nghệ xanh và AI là một bước tiến quan trọng đối với các doanh nghiệp. Các công ty như Hitachi Systems của Nhật Bản đã thực hiện cách tiếp cận toàn diện để chuyển đổi IT xanh. Thông qua sáng kiến chuyển đổi xanh, Nhật Bản đã cung cấp một khuôn khổ năng động, qua đó hỗ trợ các công ty trong tiến trình cắt giảm lượng khí thải carbon, đánh giá, thu thập dữ liệu, trực quan hóa, triển khai và cải tiến công nghệ. Với sáng kiến này, các doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn có thể xây dựng và hoàn thiện các chiến lược thực hiện mục tiêu cắt giảm carbon.
Theo Forbes, sáng kiến Chuyển đổi xanh đã tạo ra sự khác biệt so với những chương trình khác. Sáng kiến này đã cung cấp giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon. Thông qua các công nghệ và dịch vụ IT tiên tiến, Hitachi đã đạt được bước tiến đáng kể hướng tới một tương lai bền vững, trung hoà carbon.
Ông Saito, Giám đốc, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Hitachi Systems, chia sẻ: ” Công nghệ xanh và AI đã được chứng minh là phương pháp hiệu quả để hiện thực hóa các mục tiêu Chuyển đổi xanh và hướng tới trung hòa carbon. Theo dự đoán của chúng tôi, lĩnh vực này sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong tương lai. Những nỗ lực mà chúng tôi đưa ra hoàn toàn phù hợp với mục tiêu rộng lớn hơn, là nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy một xã hội bền vững”.
Nguồn: monre.gov.vn