Theo các chuyên gia và nhà khoa học, Việt Nam có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới nhiều thứ 2 khu vực Đông Nam Á, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thống nhất về xây dựng kế hoạch quản lý.
Vấn đề được đưa ra tại Hội thảo “Hoàn thiện khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam”, diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”, do GS.TSKH. Trương Quang Học chủ nhiệm. Cơ quan chủ trì là Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE), phối hợp cùng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Ban quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An và Cù Lao Chàm.
Theo đó, tính đến năm 2021, Việt Nam đã có 11 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (khu DTSQTG) được UNESCO công nhận. Tổng diện tích trên 3 triệu héc ta, bao gồm vùng biển và khu vực trên cạn. Trong đó, diện tích vùng lõi (chủ yếu là khu bảo tồn thiên nhiên) hơn 450.000ha, chiếm hơn 11% tổng diện tích của các KDTSQTG. Nơi đây tập trung đa dạng sinh học cao với sự phong phú các hệ sinh thái tự nhiên.
GS.TSKH. Trương Quang Học – chủ nhiệm đề tài trình bày một số kết quả nghiên cứu tại Hội thảo
Các khu DTSQTG có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy và vùng biển; quản lý và bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm nhằm cân bằng sinh thái và ngăn chặn suy thoái của các loài quan trọng trong việc ổn định hệ sinh thái. Đây cũng là mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, là nơi thử nghiệm các phương pháp để tìm ra sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của GS.TSKH. Trương Quang Học và nhóm nhà khoa học tham gia nghiên cứu đề tài, các khu DTSQTG tại Việt Nam hiện đang gặp những vướng mắc về công tác quản lý. Cụ thể, khu DTSQTG chưa được đưa vào hệ thống luật pháp quốc gia như một thể thống nhất; thiếu khung pháp lý liên quan đến quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, cơ cấu quản lý chưa thống nhất và không được phân định đầy đủ ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Đồng thời, nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý còn hạn chế.
Do đó, cần phải có một Khung kế hoạch quản lý thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương làm cơ sở để ban quản lý các khu DTSQTG cũng như UBND các tỉnh, thành vận hành hiệu quả hoạt động và phát huy tối đa vai trò của khu DTSQTG.
GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí khẳng định sự cần thiết của Khung quản lý khu DTSQTG cũng như đưa ra một số đóng góp cho đề tài nghiên cứu
Theo những kết quả nghiên cứu, Khung kế hoạch quản lý khu DTSQTG, cụ thể là các khu DTSQTG Cù Lao Chàm và Tây Nghệ An, được xây dựng dựa trên căn cứ là quy định quốc tế (bao gồm Khung pháp lý cho mạng lưới các khu DTSQ 1996 và Kế hoạch hành động Lima 2016-2025) và quy định của Việt Nam (bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT). Nguyên tắc xây dựng Khung kế hoạch quản lý bao gồm: Có sự tham gia của cộng đồng; có sự tham gia của các bên liên quan; tôn trọng ý kiến của cộng đồng và các bên liên quan trên cơ sở phản biện và có chọn lọc; các vấn đề được quyết định trên cơ sở thảo luận và thống nhất tập thể.
Cùng với Khung kế hoạch quản lý, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý khu DTSQTG nhằm giúp cho chính quyền địa phương có công cụ đánh giá công tác quản lý và có sự điều chỉnh định hướng cho phù hợp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về một số kết quả mà đề tài nghiên cứu đã đạt được, đồng thời góp ý để nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài trong thời gian tới.
Nguồn: monre.gov.vn