Phân loại rác tại nguồn được xác định sẽ cho rác thải nhựa một vòng đời mới, rác thải hữu cơ được tái sinh có ích cho chính người phát thải rác là giải pháp đang được tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện. Mặt khác, cách làm này còn giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.
Giảm nhiệt cho môi trường
Theo con số thống kê, bình quân mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 760 tấn rác thải ra môi trường (trong đó rác hữu cơ chiếm 70 %), ngân sách chi cho xử lý hơn 130 tỷ đồng. Để xử lý, nhiều địa phương phải đốt hoặc chôn lấp một cách thủ công gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Khắc phục tình trạng này, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tại nguồn vừa giảm thiểu rác thải nhựa. Được biết, qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua Hà Tĩnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện thành phong trào và thu hút được đông đảo các tổ chức hội, người dân nói chung cùng tham gia.
Nếu như trước đây, người dân thường có thói quen bỏ rác thải sinh hoạt lẫn lộn vào túi ni long buộc lại rồi để ở góc sân chờ người thu gom thì nay được phân loại thành rác hữu cơ dễ phân hủy và rác thải rắn khó phân hủy thành hai thứ riêng biệt. Bên cạnh đó, việc xử lý rác sau khi phân loại cũng được các cấp Hội phụ nữ, chính quyền, phòng chuyên môn phối hợp hướng dẫn người dân tiến hành.
Với lợi thế đất vườn rộng, người dân ở các vùng nông thôn Hà Tĩnh sau khi được hướng dẫn thực hiện rất hào hứng triển khai và cho thấy hiệu quả. Chị Trần Thị Thủy ở thôn Liên Vinh, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, cho biết: “Gia đình có bốn nhân khẩu, cứ mỗi tuần phải đổ rác một lần. Vậy nhưng, từ khi thực hiện phân loại rác thải thì chỉ hai đến ba tuần mới phải đổ rác. Lượng rác thải đã giảm hơn một nữa, phần lớn rác dễ phân hủy được thu riêng để làm phân vi sinh bón cho cây trồng.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch HLHPN xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà chia sẻ: “Trong bốn năm qua, Hội đã tích cực đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động và thu hút được trên 85 % hộ dân tham gia. Vào ban ngày đến hướng dẫn, kiểm tra, còn ban đêm tổ chức họp Tổ liên gia để nhắc nhỡ cách phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình”.
Nhờ cách làm quyết liêt, sáng tạo, xã Thạch Đài được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu ở huyện Thạch Hà trong việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Kết quả này không chỉ giảm lượng rác thải thu gom, góp phần tiếp kiệm kinh phí xử lý mà còn trực tiếp làm cho môi trường xanh- sạch- đẹp.
Đặt mục tiêu triển khai đồng loạt
Theo lộ trình phấn đấu, đến năm 2025, Hà Tĩnh thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn ở tất cả các địa phương, tăng lượng chất thải thu hồi để tái chế hoặc chế biến chất thải hữu cơ (ở đô thị là 10% và ở nông thôn là 30% và tăng cao hơn nữa trong các năm tiếp theo). Theo đó, các ban, ngành, địa phương tại Hà Tĩnh hiện đang đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn kết hợp giảm thiểu rác thải nhựa.
Chị Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh chia sẽ: “ Với sự vào cuộc tích cực của chị em phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn, phong trào phân loại rác thải đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng, chung tay xây dựng cảnh quan môi trường. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình được đánh giá là điểm sáng cần nhân rộng”.
Cũng nhờ cách làm hiệu quả và có được thành công bước đầu, việc tuyên truyền người dân triển khai xử lý rác tại nguồn ở nhiều địa phương diễn ra thuận lợi, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt, triển khai qua phong trào vận động, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng.
Ông Nguyễn Văn Nam, ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà cho biết: “Khi thực hiện phân loại rác ban đầu có chút bỡ ngỡ nhưng rồi cũng thành quen và thấy gọn gàng hơn nhiều, lượng rác thải đưa đi xử lý cũng ít đi. Trong khi đó, rác phân hủy đem ủ, làm được khá nhiều phân bón cho cây trồng”
Chị Trần Thị Thanh- Tổ HTX Môi trường Lê Dũng ở xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà chia sẽ: “Nhờ triển khai rộng mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn đã giảm được khối lượng, công sức thu gom đáng kể, kinh phí xử lý rác thải của địa phương cũng theo đó được cắt giảm. Nếu như trước đây chưa phân loại một tổ khi thu gom phải kéo 4-5 xe, giờ chỉ còn 1-2 xe”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Lan- Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Hà cho biết: “Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, vườn tược của người dân rộng nên thích hợp để triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, qua đó góp phần thành công rất lớn trong việc thu gom, đặc biệt là giảm được rác thải rất nhiều trong quá trình xử lý tại các nhà máy xử lý.
Nhận thấy đây là cách làm hiệu quả, các cấp, cách ngành và các tổ chức đoàn thể của huyện Thạch Hà đã vào cuộc tuyên truyền nhân rộng mô hình, phổ biến trong nhân dân. Ông Phạm Văn Đồng- Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà cho biết: “ Theo thống kê đến nay, trong tổng số 22 xã trên địa bàn huyện thì 13 xã có trên 70 % số hộ dân đồng ý tham gia phân loại rác tại nguồn, trong đó có những xã đạt trên 80 %. Với mục tiêu cuối cùng là giảm rác thải đưa đi xử lý, các hộ dân có thêm rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng ”.
Bên cạnh đó, UBND huyện Thạch Hà cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị dịch vụ môi trường vận hành hiệu quả các điểm tập kết, nâng tầng suất, công suất xử lý. Hiện nay, các bãi tập kết rác thải ở các xã đều đảm bảo môi trường, phần lớn rác vô cơ nên ít bốc mùi hôi thối như những bãi rác trộn lẫn với rác hữu cơ.
Được biết, phát huy hiệu quả từ việc phân loại rác tại nguồn và chống rác thải nhựa, cùng với huyện Thạch Hà thì nhiều địa phương tại Hà Tĩnh như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang… cũng bắt đầu đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đặc biệt, các địa phương đang triển khai hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/