Hội nghị Môi trường toàn quốc là sự kiện quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường. Kể từ năm 1998 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công 04 kỳ Hội nghị Môi trường toàn quốc (vào các năm: 1998, 2003, 2010 và 2015); qua đó đã hội tụ được đầy đủ các thành phần từ cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp ý kiến; được coi như Hội nghị “Diên Hồng” đối với công tác bảo vệ môi trường. Thông qua từng hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, kiến nghị Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường trong giai đoạn tiếp theo.
Tiếp nối thành công của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, năm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương có liên quan tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan sau 02 năm hoãn tổ chức do đại dịch Covid – 19. Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan được tổ chức vào thời điểm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9. Năm 2022 cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; là năm mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0″ vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Đặc biệt đây cũng là sự kiện gắn với chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan được tổ chức không chỉ nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022; mà còn để quán triệt và cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, người dân và doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển xanh và bền vững; thống nhất tổ chức triển khai các chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm đưa nhanh các chính sách đi vào cuộc sống, đưa công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam sớm bắt nhịp với các nước tiên tiến trên thế giới.
Phiên toàn thể của Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 04 tháng 8 năm 2022, với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương; Uỷ ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường; các cơ quan thông tấn, báo chí và đại diện của một số tổ chức và chuyên gia quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022; nhận diện thời cơ, thách thức và định hướng công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn từ nay đến nay 2025. Hội nghị cũng sẽ có các bài trình bày của các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, tổ chức quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vào ngày 29/7/2022 tập trung vào 04 nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bao gồm: Công tác đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động đầu tư phát triển; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; Quản lý chất lượng các thành phần môi trường, nền tảng và mục tiêu của công tác kiểm soát ô nhiễm; Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu tại điểm cầu Hà Nội là cơ quan quản lý, tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và khoảng 200 đại biểu tham dự tại 63 điểm cầu tại địa phương là Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Môi trường và các cơ quan liên quan của địa phương. Bên cạnh 04 báo cáo đề dẫn về các nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường do đại diện Lãnh đạo các cơ quan quản lý của Tổng cục Môi trường trình bày, Hội thảo có các bài tham luận, các ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương nhằm làm sâu sắc hơn chủ đề của đề dẫn.
Bên cạnh đó, trong 02 ngày 04-05/8/2022 cũng sẽ diễn ra Triển lãm thành tựu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nằm trong khuôn khổ Triển lãm các thành tự Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường để giới thiệu, phổ biến và nhân rộng các thành tựu, các mô hình, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, trong các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước.
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với ngành tài nguyên và môi trường mà còn có ý nghĩa lớn với cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, người dân và doanh nghiệp để quyết tâm đưa Việt Nam thành nước phát triển xanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thông tin chi tiết về Hội nghị được đăng tải tại website: www.vea.gov.vn.
Theo: vea.gov.vn