Bộ TN&MT tổ chức nhiều buổi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương trên LVS Cầu, Nhuệ – Đáy, Đồng Nai để trao đổi, thống nhất thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông (LVS). Năm 2019, Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 322 cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có lưu lượng xả thải lớn, xả thải trực tiếp và gián tiếp ra LVS.
Nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe, đời sống của người dân Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí; trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Bộ TN&MT đã có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác, rơm rạ sau thu hoạch; tăng cường tần suất quan trắc để kịp thời đưa ra cảnh báo cần thiết đối với người dân.
Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải như kiểm định khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành; chứng nhận đạt mức tiêu chuẩn khí thải; chứng nhận về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong giám sát đóng mới tàu biển và tàu biển đang khai thác; chứng nhận về BVMT cho phương tiện thủy nội địa.
Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, trong đó có mở rộng các đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục để kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; triển khai một số chương trình, đề án kiểm soát ô nhiễm không khí; ban hành các quy định về BVMT trong thi công xây dựng, quản lý CTR xây dựng; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô-tô tham gia giao thông và xe ô-tô đã qua sử dụng nhập khẩu).
Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ từ việc ban hành các chỉ thị, quy định và tổ chức các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát các nguồn thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp. UBND Tp. Hà Nội cũng thực hiện công bố và cảnh báo về chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử.
Trong năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các “điểm nóng” về ô nhiễm. Bộ Quốc phòng đã khởi công triển khai thực hiện dự án hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1 xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa từ nguồn vốn ODA không hoàn lại và vốn đối ứng của Việt Nam; tổ chức lập hồ sơ dự án xử lý đất ô nhiễm tại khu vực sân bay A Sho, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; tiếp tục điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm chất diệt cỏ chứa dioxin và asen tại một số sân bay dã chiến; thu gom và xử lý 13,68 tấn chất độc CS và 100 m3 đất nhiễm chất độc CS tồn lưu; ký bản Ghi nhận ý định và Bản Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để tổ chức thực hiện dự án Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam ở 08 tỉnh bị phun rải chất độc da cam từ nguồn ngân sách ODA không hoàn lại (65 triệu đô la Mỹ).
Bộ TN&MT cùng với các địa phương đã hoàn thành việc cải tạo phục hồi 60/240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tại Phụ lục 1 của Quyết định 1946/QĐ-TTgrà soát, đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi Quyết định 1946/QĐ-TTg, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV năm 2020.
Việc khắc khục ô nhiễm cải thiện môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được quan tâm, đầu tư, tuy nhiên, chưa thật quyết liệt và triệt để: Đến nay, có 02/47 làng nghề đã hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm; 23/47 làng nghề đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa xử lý xong ô nhiễm; 09/47 làng nghề chưa có dự án nhưng tự thu hẹp quy mô, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động và về cơ bản không còn ô nhiễm; 13/47 làng nghề chưa có dự án xử lý ô nhiễm môi trường (Chi tiết tại Phụ lục VI).
CTTĐT