CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Quảng Nam: Khuyến khích đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung

0

(TN&MT) – Nhằm thúc đẩy đầu tư các khu xử lý rác thải theo định hướng quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 1331/QĐ-UBND yêu cầu các ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai Nghị quyết về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 – 2030 của HĐND tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ đảm bảo đúng quy định, trường hợp phát sinh vướng mắc (nêu có) và tổng hợp các nội dung liên quan đến dự án đầu tư báo cáo Thường trực HĐND tỉnh theo Điều 6 Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh; đồng thời kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích và thanh quyết toán theo đúng quy định.

Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí, vốn và cơ chế thanh toán hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các địa phương đảm bảo quy định.

Khu xử lý Đại Hiệp (Đại Lộc) sẽ đóng cửa tháng 6/2021 vì hết công suất

Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý rác thải của các nhà đầu tư, địa phương tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hương dẫn các nhà đầu tư, địa phương thực hiện các hồ sơ, thủ tục, thẩm định năng lực tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trước khi quyết định chủ trương đầu tư..

Trước đó,  HĐND tỉnh đã phát hành Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2030. Theo Nghị quyết này thì mức hỗ trợ một lần tính theo khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện tại của mỗi khu xử lý rác thải, cụ thể: khối lượng rác phát sinh được xử lý (tấn,ngày/đêm), từ 101 đến 200 tấn thì được hỗ trợ  9 tỷ đồng, từ 201 đến 300 tấn hỗ trợ 11 tỷ đồng, từ 301 đến 400 tấn là 13 tỷ đồng.

Đối tượng áp dụng của nghị quyết này là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài nước (gọi tắt là nhà đầu tư) có năng lực về kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm tham gia đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cơ chế khuyến khích, hỗ trợ quy định tại nghị quyết này chỉ áp dụng đối với các khu xử lý rác thải tập trung cấp huyện, cấp tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị một số nội dung cơ chế hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng các tuyến đường vào khu xử lý rác thải tập trung theo tiêu chuẩn đường đạt chuẩn nông thôn mới đối với khu xử lý cấp huyện; theo tiêu chuẩn đường ĐH đối với khu xử lý cấp tỉnh; 100% kinh phí đầu tư xây dựng công trình cấp điện (tính đến hàng rào công trình) khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung; 100% kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân…

Bãi rác Tam Xuân 2 (Núi Thành) thường xuyên gây ô nhiễm

Nghị quyết cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2020-2030  nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, tăng cường khả năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường đô thị – nông thôn toàn tỉnh, cải thiện điều kiện môi trường, nâng cao sức khoẻ cộng đồng và tiết kiệm các chi phí có liên quan đến việc quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

Vài năm tới, các bãi rác tập trung của tỉnh sẽ hết công suất cũng như thời gian hoạt động, cụ thể khu xử lý Đại Hiệp (Đại Lộc) sẽ đóng cửa tháng 6/2021; khu xử lý rác Tam Xuân (Núi Thành) sẽ đóng cửa cuối năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, tỉnh không thể chạy theo tăng trưởng kinh tế mà trả giá cho môi trường, phát triển kinh tế phải hài hòa với kiểm soát ô nhiễm. Vì vậy, một cơ chế hỗ trợ đặc thù về xử lý chất thải rắn giai đoạn 2020 – 2030 là phù hợp với thực tiễn phát triển.

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.