CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hội thảo tham vấn Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thí điểm thành lập và quản lý hành lang đa dạng sinh học

0

Ngày 26/11/2020, tại Thành phố Huế, Ban quản lý Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng giai đoạn” (dự án BCC) cấp Trung ương thuộc Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thí điểm thành lập và quản lý hành lang đa dạng sinh học theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5197/VPCP-KGVX ngày 10/7/2014 của Văn phòng Chính phủ.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Giám đốc Ban quản lý dự án BCC Trung ương; đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; đại diện 6 huyện tham gia Dự án BCC; Ban quản lý dự án BCC tỉnh Quảng Trị, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam; Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế; Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên tham gia Dự án BCC-GEF.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, đại diện 3 tỉnh đã báo cáo kết quả đạt được trong việc thành lập và thí điểm quản lý Hành lang đa dạng sinh học, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thành lập và xây dựng kế hoạch quản lý thí điểm; phân tích rõ những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình vận hành thí điểm do trong hành lang có rất nhiều đối tượng được quản lý bởi nhiều quy định khác nhau. Ban quản lý dự án BCC Trung ương cũng trình bày dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ  kết quả chung của cả dự án BCC, đánh giá những nội dung đã làm được như hướng dẫn thành lập và ban hành được kế hoạch quản lý hành lang đa dạng sinh học ở 3 tỉnh, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cộng đồng và hộ gia đình nằm trong vùng bảo vệ của hành lang đa dạng sinh học,…; phân tích những điểm chưa làm được như thời gian thí điểm chưa đủ dài, chưa được phân bổ ngân sách địa phương để triển khai kế hoạch và cơ chế quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu đều thống nhất nhận định: với sự nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND 3 tỉnh tham gia dự án, hành lang đa dạng sinh học đã được thành lập và bước đầu có những hoạt động quản lý nhằm duy trì các hành lang này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao duy trì và tiếp tục vận hành được các hành lang đa dạng sinh học trong bối cảnh dự án BCC kết thúc.  Do vậy cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đề xuất ra cơ chế quản lý phù hợp hơn cho giai đoạn tới để duy trì, phát triển các hoạt động quản lý hành lang đa dạng sinh học.

Toàn cảnh hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh yêu cầu Ban quản lý dự án BCC Trung ương hoàn thiện Quy chế quản lý hành lang đa dạng sinh học và lấy ý kiến các Bộ, ngành địa phương, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong báo cáo sẽ cần đưa ra các kiến nghị cụ thể Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép pháp lý hóa các quy định về hành lang đa dạng sinh học; sửa đổi, bổ sung Luật đa dạng sinh học với các nội dung thành lập và quản lý hành lang đa dạng sinh học hiện nay.

Theo vea.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.