CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)

0

Để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 5/5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12 bằng hình thức trực tuyến, thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thường trực Hội đồng dân tộc; các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các Hiệp hội…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, với quan điểm Luật Bảo vệ môi trường là Luật cơ bản quy định toàn diện, tổng hợp thống nhất các nội dung về bảo vệ môi trường (BVMT), khắc phục sự chồng chéo xung đột thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các luật có liên quan. Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm một số quy định cụ thể đặc thù về BVMT như quy định về thanh tra thường xuyên, đột xuất về BVMT; bổ sung quy định về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, cơ quan soạn thảo đã rà soát các quy định trong dự thảo Luật với các luật hiện hành.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu

Cho ý kiến về dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng: sau gần 06 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. BVMT vừa là mục tiêu vừa là nội dung của phát triển bền vững, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhân dân.

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với những thách thức mới đặt ra, nhiều vụ việc môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội; cơ chế, chính sách BVMT chưa đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường; nhiều nội dung BVMT được quy định trong nhiều luật khác nhau nhưng giữa các luật này còn có những điểm giao thoa, chồng chéo; nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về BVMT chưa thực sự hợp lý làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, trước thách thức ngày càng lớn về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, những cơ chế và biện pháp BVMT hiệu quả, phù hợp hơn với thế và lực mới; đồng thời cũng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Nhất trí với quan điểm sửa đổi theo hướng các nội dung có tính nguyên tắc về BVMT được quy định rải rác ở các luật khác được tập hợp về Luật này, các đại biểu đề nghị cần rà soát, bảo đảm tính thống nhất, tránh quy định lặp lại, chồng lấn với các luật khác; đồng thời cần khẩn trương nghiên cứu và thống nhất các nội dung về BVMT có liên quan quy định về  trong các dự án Luật đang được Quốc hội cho ý kiến, chuẩn bị thông qua như Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016), Luật Xây dựng năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính… ; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá tác động, đặc biệt là các chính sách làm phát sinh nghĩa vụ tài chính đối với các đối tượng chịu tác động….

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung về BVMT trong dự thảo Luật này và các Luật có liên quan.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các cơ quan có liên quan và giải trình của cơ quan soạn thảo; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát các cam kết quốc tế về môi trường tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP, EVFTA, EVIPA … để tạo hành lang pháp lý phát triển đất nước phù hợp với các cam kết quốc tế; lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương, đối tượng chịu tác động, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để hoàn thiện dự thảo Luật./.

Theo MONRE

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.