Báo cáo dưới đây tổng hợp các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và các hoạt động bên ngoài
Từ phát triển kinh tế – xã hội trong nước
Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Trên phạm vi cả nước vẫn còn 147 cơ sở trong tổng số 435 gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để (giảm 79 cơ sở so với năm 2017). Bên cạnh đó, nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh mới, đặc biệt các cơ sở thuộc khu vực công ích như cơ sở y tế tuyến huyện do khó khăn về kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải nên sau khi được đầu tư xây dựng song chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng và có nguy cơ tái gây ô nhiễm môi trường.
Dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao: Trên phạm vi cả nước, còn tồn tại những dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp ô nhiễm môi trường cao (Bao gồm các loại hình sản xuất công nghiệp: Khai thác, làm giàu khoáng sản độc hại; luyện kim, tinh chế, chế biến khoáng sản độc hại, phá dỡ tàu biển; sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); sản xuất hoá chất, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn), thuốc bảo vệ thực vật hóa học; nhuộm (vải, sợi), giặt mài; thuộc da; lọc hoá dầu; nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than, điện hạt nhân; xử lý, tái chế chất thải; xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất clinker; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thuỷ sản, giết mổ gia súc, gia cầm) phát sinh lượng chất thải lớn, có tính độc hại cao đối với môi trường như: khai thác khoáng sản, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,…. Việt Nam hiện có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản, làm phát sinh lượng bụi, nước thải lớn, gây tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy, hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao do phải trải qua nhiều quy trình như: tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng… sử dụng nhiều loại hóa chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất gây ô nhiễm có độc tính cao; 23 nhà máy nhiệt điện than, thải ra khoảng 12,2 triệu tấn tro xỉ mỗi năm; lượng tro, xỉ tồn trữ tại các bãi chứa khoảng 25,2 triệu tấn và phải sử dụng tổng diện tích bãi thải xỉ khoảng 700 ha, chứa nhiều tạp chất ô nhiễm, gây áp lực không nhỏ lên môi trường không khí; khoảng 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên, sản lượng sắt thép thô năm 2018 ước đạt hơn 17,7 triệu tấn, thép cán ước đạt 5,8 triệu tấn, thép thanh, thép góc ước đạt 6,4 triệu tấn. Quá trình sản xuất gang thép thải ra môi trường một lượng lớn chất thải. Theo tính toán, sản xuất 01 tấn thép sẽ thải ra từ 0,5 – 01 tấn xỉ, l0.000 m3 khí thải, l00 kg bụi… nếu không được quản lý, xử lý tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đối với ngành dệt nhuộm, đặc biệt nước thải tại các làng nghề dệt nhuộm gần như chưa được xử lý một cách hiệu quả, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trong năm, tiếp tục có một số cơ sở phát sinh nguồn thải lớn đi vào hoạt động như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (lượng nước xả thải là hơn 257 triệu m3, chất thải rắn nguy hại là hơn 10 tấn), Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đi vào vận hành lò cao số 2, các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Vĩnh Tân (lưu lượng nước làm mát thải tổng cộng của toàn bộ Trung tâm điện lực Vĩnh Tân khoảng 28 triệu m3/ngày đêm), một số nhà máy đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải (Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Dự án “Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng”, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất – Công ty Lọc – Hóa dầu Bình Sơn,…).
Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; khu đô thị, dân cư tập trung: hiện nay cả nước có 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và có phát sinh chất thải (không tăng so với năm 2017); 689/807 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích đất 21.616,5 ha, trong đó đã cho thuê 9.703 ha (tỷ lệ lấp đầy bình quân 58%), thu hút khoảng 9.818 dự án, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; có khoảng 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng 1.839 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận; 813 đô thị với dân số đô thị khoảng 33,83 triệu người, chiếm 35,7% dân số cả nước. Nước thải sinh hoạt tiếp tục phát sinh lớn ở cả khu vực đô thị và nông thôn với mức trung bình khoảng 120 lít/người/ngày ở khu vực đô thị và khoảng 80 lít/người/ngày ở khu vực nông thôn. Trong đó, riêng tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lượng nước thải sinh hoạt phát sinh chiếm trên 65% tổng lượng nước thải phát sinh của cả nước. Phần lớn các đô thị chỉ có hệ thống thoát nước chung cho cả nước mặt và nước thải, thiếu hệ thống thu gom và các trạm xử lý nước thải tập trung. Các hoạt động dân sinh như đốt nhiên liệu, đốt rác tại nơi công cộng tuy đã giảm nhưng vẫn còn gây ô nhiễm cục bộ tại một số nơi.
Cơ sở y tế: hiện nay Việt Nam hiện có 13.583 cơ sở y tế, trong đó có 1.085 bệnh viện. Lượng nước thải y tế phát sinh là 28.564.000 m3/năm, chưa kể lượng nước thải của các cơ sở y tế thuộc hệ dự phòng, các cơ sở đào tạo y, dược và sản xuất thuốc. Lượng nước thải y tế phát sinh hàng năm tăng dần theo thời gian. Tùy thuộc vào số lượng các cơ sở y tế của từng địa phương, lượng nước thải y tế trung bình phát sinh/giường bệnh dao động lớn trong khoảng từ 200-660 lít/ngày đêm. Điển hình tại một số tỉnh/thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh lượng nước thải y tế phát sinh khoảng 17.750 m3/ngày đêm, thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 7.343m3/ngày đêm, tỉnh Nghệ An phát sinh khoảng 6.197 m3/ngày đêm.
Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi: Chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tiếp tục gia tăng với 85-90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng. Thực tế, các loại bao gói, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thường bị vứt bừa bãi tại ruộng, góc vườn, có trường hợp còn vứt ngay đầu nguồn nước sinh hoạt.
Hoạt động xây dựng: Ngành xây dựng giữ vững nhịp tăng trưởng trong những năm gần đây với mức tăng trưởng trong năm 2018 đạt 9,2%. Diện tích nhà ở hoàn thành trong năm đạt khoảng 58 triệu m2. Đến nay, cả nước có 1.481 dự án đầu tư xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 10.846,5 triệu đô la Mỹ. Hoạt động xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng… diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các đô thị lớn; trong đó nhiều công trình có thời gian thi công kéo dài làm phát sinh ô nhiễm môi trường không khí cục bộ tại các đô thị lớn.
Hoạt động giao thông: Trên cả nước có 3.673.383 xe máy, 360.267 ô tô được sản xuất, nhập khẩu, lắp ráp mới với tốc độ gia tăng so với năm 2017 là 15%. Khí thải từ hoạt động giao thông vận tải được xem là nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường không khí, đặc biệt ở các khu vực đô thị có mật độ giao thông cao.
Hoạt động du lịch: Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của những biến động toàn cầu và khu vực, du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng với lượng khách quốc tế tới tham quan, nghỉ dưỡng tăng theo hàng năm. Đến nay, Việt Nam đón 80 triệu lượt khách nội địa, tăng 9,7% so với năm 2017; 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% (tăng hơn 2,6 triệu lượt khách) so với năm 2017; số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tại nước ta là 9,5 ngày và số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch nội địa là 3,2 ngày. Với mức rác thải phát sinh trung bình 0,8kg/ngày đêm/người thì tổng lượng rác thải phát sinh từ khách du lịch khoảng 322.600 tấn/năm (tăng 37.680 tấn so với năm 2017).
Từ bên ngoài
Áp lực từ chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu của một số nước trên thế giới dẫn đến phế liệu đang có nguy cơ chuyển vào khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017.
Các vấn đề môi trường theo lưu vực sông Mê Công, sông Hồng, các sông xuyên biên giới, biển ngày càng phức tạp. Đến nay, trên dòng chính sông Mê Công có 07 công trình đập thủy điện đã được xây dựng trên phía thượng nguồn, trong đó có 03 đập đang được xây dựng và 01 đập dự kiến xây dựng vào năm 2022 cùng với 78 con đập trên dòng phụ của sông Mê Công. Các đập thủy điện này không chỉ làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn sự di chuyển của cá, giảm luồng trầm tích, sụt giảm phù sa, gia tăng mất mát đa dạng sinh học mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ sông, lòng sông, xâm nhập mặn, tác động tích lũy xuyên biên giới đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta.
Một lượng lớn rác thải nhựa tiếp tục được thải ra trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó được thải ra đại dương. Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018 cho thấy, mỗi năm có khoảng 500 tỷ chai nhựa, trên 500 tỷ túi ni lông được sử dụng; nhân loại thải bỏ một lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn thải ra đại dương.
Trong năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát hiện và công bố 19 loài ngoại lai xâm hại, 61 loài ngoại lai nguy cơ xâm hại. Những vấn đề này đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường nước ta.
CTTĐT