CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

EVFTA: Công cụ mới đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã

0

Hiệp định Thương mại Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) được xem như một công cụ trong việc đấu tranh với nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép.

* Nâng trách nhiệm giảm buôn bán động vật hoang dã trái phép

Tiến sĩ Joanna Swabe – Giám đốc cấp cao về ngoại giao của Tổ chức Quốc tế Đối xử nhân đạo với động vật (HSI) tại Châu Âu nhận định, mặc dù hiệp định thương mại này còn ít các điều khoản liên quan đến tăng cường hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực trong việc đẩy mạnh phúc lợi động vật nhưng có tiềm năng lớn trong việc bảo vệ động vật hoang dã, nếu các nguồn lực được cung cấp đầy đủ.

“Điều đáng khích lệ là EU đã thành công trong việc đàm phán một thỏa thuận thương mại vượt xa các cam kết tiêu chuẩn thông thường từ các bên nhằm thực hiện đúng và thực thi các thoả thuận đa phương về môi trường. Việc bao gồm các điều khoản yêu cầu cả EU và Việt Nam phải tích cực thực hiện những biện pháp hiệu quả nhằm giảm việc buôn bán trái phép các loài hoang dã như các chiến dịch nâng cao nhận thức, các biện pháp thực thi và giám sát, là một công cụ vô cùng hữu ích trong cuộc đấu tranh với nạn buôn lậu các loài hoang dã trên toàn cầu”, Tiến sĩ Joanna Swabe phân tích.

Tiến sĩ Joanna Swabe cũng hoan nghênh những cam kết rõ ràng trong thoả thuận nhằm nâng cao hợp tác giữa các bên để đẩy mạnh việc bảo vệ các loài thông qua việc đề xuất các loài vào phụ lục của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Cam kết này có thể giúp bảo vệ nhiều loài vật khỏi vấn nạn khai thác quá mức để cung cấp cho thị trường như việc buôn bán động vật nuôi độc lạ. Ông Joanna Swabe đánh giá cao EU và Việt Nam vì đã bắt đầu hợp tác qua việc gửi những bản đề xuất chung để đưa các loài cá cóc, thạch sùng và cá cóc sần vào Phụ lục II công ước CITES. Những đề xuất này sẽ được các nước thành viên xem xét trong Hội nghị các nước thành viên lần thứ 18 sắp tới mà sẽ được tổ chức tại Geneva (Thuỵ Sỹ) vào tháng 8 này.

EVFTA kỳ vọng thêm công cụ để giảm buôn bán động vật hoang dã trái phép

* EU có thể hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam

“Việt Nam đã từng được biết đến là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về đa dạng sinh học. Đáng tiếc, chúng ta đang phải đối mặt với “rừng rỗng” hay “rừng lặng” vì những vấn nạn như mất sinh cảnh sống, săn bắt trái phép với số lượng lớn và buôn lậu động vật hoang dã bắt nguồn từ trong và ngoài biên giới nước ta. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam đã và đang đóng vai trò là nước cung cấp, tiêu thụ, và trung chuyển cho các đường dây buôn bán trái phép các loài hoang dã này. Năng lực thực thi còn nhiều hạn chế, không có các trang thiết bị hiện đại, cũng như nguồn lực còn mỏng, và đặc biệt là sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát việc buôn bán các loài hoang dã và công tác thực thi pháp luật không đủ nghiêm khắc để có thể răn đe và triệt phá loại tội phạm này.

Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của HSI tại Việt Nam hy vọng, thông qua thoả thuận thương mại này, EU có thể hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm kiểm soát hiệu quả việc buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã và hỗ trợ việc giảm nhu cầu tiêu thụ và nâng cao năng lực thực thi qua các khoá tập huấn và công cụ cần thiết thông qua việc hợp tác phát triển.

Trước đó, vào năm 2016, HSI đồng phối hợp với chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, đã tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên về bảo tồn tê tê cho các nước có tê tê phân bố. Có hơn 30 quốc gia mà tê tê phân bố góp mặt trong hội thảo quốc tế này. Tiếp đó, vào tháng 9/2018, HSI và Vụ bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về bảo vệ tê tê. Hội thảo này đã đánh giá và xem xét việc xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ tê tê.

Từ đầu năm 2019, HSI hợp tác cùng chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã và đang thực hiện một dự án tại Đồng Nai để ngăn chặn và giảm thiểu xung đột voi người một cách nhân đạo.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.