Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam triển khai thực hiện khu kinh tế (KKT) mở và phát triển KKT ven biển để tạo thành các vùng động lực phát triển kinh tế, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp nặng tại khu vực ven biển. Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, KKT là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội (KT- XH) và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các KKT, Đảng, Nhà nước cũng luôn đưa ra các chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường (BVMT).
Luật BVMT 2014 và Nghị định 19/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành đã có các quy định về BVMT đối với khu công nghiệp (KCN), KKT. Năm 2015, Bộ TNMT cũng đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về BVMT KKT, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao. Theo đó, với KKT, cơ quan đề nghị thành lập, mở rộng KKT phải có trách nhiệm đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường của KKT và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm tra. Cơ quan đề nghị thành lập, mở rộng KKT cũng có trách nhiệm lập quy hoạch, xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT KKT và gửi thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, kiểm tra theo quy định. Công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT KKT bao gồm: hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn; hệ thống thu gom và thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải; mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường xung quanh; quy hoạch diện tích cây xanh; các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT khác.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định gồm 07 chương và 68 điều. Nghị định quy định về quy hoạch, thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với KCN và KKT. Trong đó, các quy định về BVMT trong các KKT đã được làm rõ. So với quy định trước đây, khái niệm “khu chế xuất” được điều chỉnh và xem là loại hình bao gồm trong KCN, quy định giải thích cụ thể về KCN sinh thái với sự liên kết hợp tác thực hiện hoạt động “cộng sinh công nghiệp” nhằm tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên, vật liệu, chất thải, năng lượng… với việc giảm phát thải môi trường, chất thải đầu ra của ngành này là nguyên liệu đầu vào của ngành khác được cộng sinh liên hoàn theo mục đích tích cực. Ngoài ra, các điều kiện bổ sung mới, mở rộng KKT trong quy hoạch phát triển KKT (KKT ven biển và cửa khẩu) cũng nhấn mạnh các vấn đề môi trường như “Không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên; có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững”. Đối với hồ sơ thành lập, mở rộng KKT cũng cần phải đánh giá về vấn đề bảo vệ môi trường, bao gồm: Đánh giá tổng thể chung về các tác động tích cực, tiêu cực đến môi trường; xác định các thành phần môi trường bị ảnh hưởng và mức độ tác động khi thành lập KKT; xây dựng giải pháp BVMT khi khu kinh tế đi vào hoạt động…Theo đó, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu chức năng trong KKT phải có trách nhiệm xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, các công trình bảo vệ môi trường khác (nếu có) theo quy định pháp luật về BVMT.
Ngoài ra, Quyết định số 351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các KKT ven biển, KKT cửa khẩu, KCN, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, các nội dung về BVMT cũng được nhấn mạnh. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành công trình thoát nước, xử lý nước thải tập trung với công suất từ 13.000 đến 14.000 m3/ngày đêm, hạ tầng kỹ thuật của 16 KKT ven biển, trong đó tập trung chủ yếu cho 8 KKT ven biển trọng điểm có các dự án quy mô lớn đang và dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020; Hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung với công suất từ 300 đến 400 m3/ngày đêm cho 21 KKT cửa khẩu, trong đó tập trung cho 9 KKT cửa khẩu trọng điểm có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn; Đầu tư hoàn thành từ 15 đến 20 công trình xử lý nước thải tập trung với công suất từ 40.000 đến 45.000 m3/ngày đêm cho từ 35 đến 40 KCN và từ 30 đến 35 cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, đầu tư hoàn thành hệ thống mương dẫn và thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý dài khoảng 3,5 đến 4 km, nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.500 đến 4.000 m3/ngày đêm cho 3 khu công nghệ cao; Đầu tư hoàn thành hệ thống mương dẫn và thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý dài khoảng 10 đến 12 km, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 2.200 đến 2.500 m3/ngày đêm cho 06 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Monre.gov.vn