Trả lời chất vấn trên, Phó Thủ tướng cho biết, lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nhất là từ việc sử dụng túi ni lông do loại túi này siêu mỏng, khó phân hủy và thường thải bỏ sau một lần sử dụng. Hiện nay, việc xử lý rác thải túi ni lông chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp vì giá trị thu hồi để tái chế thấp. Chất thải nhựa, túi ni lông nếu không kiểm soát tốt sẽ tác động xấu đến môi trường sống của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc quản lý và kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có sáng kiến các nước G7 cùng thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy thực hiện cam kết và sáng kiến của Việt Nam; tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra liên quan đến việc quản lý, xử lý chất thải; hướng dẫn cho các đơn vị liên quan thực hiện quản lý chất thải nhựa theo quy định; khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, cùng chung tay thành lập Liên minh chống rác thải nhựa. Mới đây, ngày 4/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát Thư kêu gọi cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa.
Giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương
Việc quản lý chất thải nhựa, túi ni lông là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, cùng toàn xã hội. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương.
Đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn; thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải kết hợp với thu hồi năng lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thu hút sự tham gia hiệu quả của cộng đồng các doanh nghiệp.
Tăng cường thông tin tuyên truyền, thay đổi nhận thức, thói quen của toàn thể nhân dân trong sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni-lông khó phân hủy. Phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông thân thiện với môi trường trong nước.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu/nộp thuế bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại để bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường; đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm cả chất thải nhựa trên nguyên tắc người phát sinh ra chất thải phải trả tiền thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Mở rộng hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình, dự án tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa và túi ni lông cũng như các ưu đãi về thuế, phí và lệ phí.
Đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm chống rác thải nhựa; chuyển từ việc sử dụng túi ni lông sang sử dụng các loại túi giấy và bao gói thân thiện với môi trường; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.
Chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận vốn, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa.