Nhấn mạnh định hướng của Bộ TT&TT là phát triển hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng lành mạnh, đại diện Cục An toàn thông tin cũng cho biết một mục tiêu đặt ra trong hai năm 2019 – 2020 là Việt Nam sẽ có 100 doanh nghiệp mạnh cùng khoảng 1.000 chuyên gia đầu ngành.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT, mặc dù Việt Nam vẫn đang ở vị trí là một chấm nhỏ, hết sức khiêm tốn trên bản đồ an toàn, an ninh mạng thế giới, song chúng ta cũng có cơ hội để phát triển mạnh lĩnh vực này giống như bất cứ nước nào khác, bởi an toàn, an ninh mạng đang là lĩnh vực rất mới. “Khát vọng, cơ hội giờ đây không còn chỉ dừng lại ở khát vọng, cơ hội nữa, mà đã trở thành tuyên bố mang tính sứ mệnh của người đứng đầu Chính phủ: Việt Nam sẽ phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng”, ông Dũng cho hay.
Bộ TT&TT kỳ vọng trong 2 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng mạnh và 50 sản phẩm, dịch của các doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng rộng rãi (Ảnh minh họa) |
Ở góc độ của đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng, theo người đứng đầu Cục An toàn thông tin, để hiện thực hóa được khát vọng, mong muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng, trên bình diện quốc tế, Việt Nam sẽ phải thể hiện vai trò, trách nhiệm nhiều hơn của mình với khu vực, thế giới đối với các vấn đề về an toàn, an ninh mạng. Chúng ta cần tham gia tích cực hơn và tham gia với vai trò định hướng, dẫn dắt trong một số nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng của Việt Nam phải được sử dụng rộng rãi trên thế giới; có nhiều chuyên gia người Việt uy tín làm việc trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về an toàn, an ninh mạnh; và đồng thời ngày càng có nhiều chuyên gia an toàn, an ninh mạng về Việt Nam để khởi nghiệp, sáng tạo, để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho thị trường Việt Nam.
Còn với trong nước, ông Dũng cho biết: “Chúng ta mong muốn các cơ quan, tổ chức của Việt Nam đặc biệt là các cơ quan, tổ chức nhà nước được bảo đảm, bảo vệ một cách thực chất, chuyên nghiệp và hiệu quả. Chúng ta cũng muốn có thị trường nội địa rộng lớn, là cái nôi để cho nhiều doanh nghiệp mạnh về an toàn thông tin phát triển và đặc biệt là chúng ta mong muốn không gian mạng Việt Nam luôn “sạch rác”, phải lành mạnh, an toàn, tin cậy”.
Đại diện Cục An toàn thông tin cũng chỉ rõ, để cụ thể hóa những mong muốn trên,Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam đã nêu ra 4 chỉ đạo, 4 định hướng then chốt trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng.
“Cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ giám sát, bảo vệ và cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh hệ thống nên là 2 đơn vị độc lập với nhau. Chúng tôi khuyến nghị các cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp của các doanh nghiệp đã được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ hệ thống của cơ quan, tổ chức mình tốt hơn, đồng thời cũng mở rộng được thị trường cho các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam có điều kiện phát triển”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.
Hai điểm nhấn nữa trong Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, theo phân tích của đại diện Cục An toàn thông tin, chính là: quy định mỗi cơ quan, tổ chức cần dành tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT của mình để chi cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; và việc cần ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của doanh nghiệp trong nước.
Người đứng đầu Cục An toàn thông tin cũng cho biết thêm, Bộ TT&TT đã xác định Việt Nam cần phải phát triển hệ sinh thái an toàn, an ninh mạnglành mạnh, trong hệ sinh thái đó có những doanh nghiệp lớn và đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ cung cấp những dịch vụ sáng tạo để trong hai năm 2019 – 2020 phấn đấu chúng ta có khoảng 100 doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng mạnh; 50 sản phẩm, dịch của các doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng rộng rãi; lực lượng chuyên gia tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 1.000 người; đồng thời đưa quy mô thị trường của các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam đạt từ 500 triệu USD, dần tiến tới 1-2 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, an toàn, an ninh mạng là lĩnh vực đã có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 20 doanh nghiệp được cấp mới Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, nâng tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép lên 65 doanh nghiệp ( gồm 3 tập đoàn nhà nước, 44 công ty cổ phần và 18 công ty TNHH). Trong đó, có 54 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu sản phẩm; 11 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất sản phẩm và 42 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ.
Theo ICTNews