Nhân loại tạo ra khoảng 2,1 tỷ đến 2,3 tỷ tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi năm. Nếu không được xử lý đúng cách, lượng rác thải này sẽ phát thải khí nhà kính hoặc hoá chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới môi trường, huỷ hoại hệ sinh thái, gây ra dịch bệnh và đe doạ sự phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày 30/3, thế giới đã kỷ niệm Ngày Quốc tế không rác thải, hoạt động do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) chủ trì, nhằm nhấn mạnh vai trò của việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Ngày Quốc tế không rác thải năm nay cũng tập trung nâng cao nhận thức, kêu gọi cắt giảm việc tiêu dùng quá mức, một nguyên nhân gây ra khủng hoảng rác thải hiện nay.
“Việc tiêu dùng quá mứng đang thải ra lượng rác thải lớn, ảnh hưởng tới hành tinh của chúng ta. Nhân loại cần hành động. Nhân Ngày Quốc tế không rác thải, hãy cùng nhau tìm cách chấm dứt chu kỳ gây hại này của rác thải”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết.
Theo đó, để giải quyết và hướng tới tương lai không rác thải, UNEP đã đề xuất 8 cách làm:
Giảm lượng rác thải thực phẩm
Theo ước tính của UNEP, trong khi thế giới có khoảng 738 triệu người phải sống trong cảnh đói kém, thì vẫn có đến 19% lượng rác thải thực phẩm được thải ra ở các khu vực còn lại. Hoạt động sản xuất số thực phẩm bị bỏ phí này cũng gây ra khoảng 8-10% lượng khí thải nhà kính.
Để thay đổi xu hướng này, UNEP lưu ý các thành phố trên thế giới có thể thúc đẩy ngành nông nghiệp và sử dụng rác thải thực phẩm vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, hoặc làm nhiên liệu bảo trì không gian xanh… Ngoài ra, các thành phố cũng có thể tài trợ cho các chương trình xử lý rác thải khác như ủ phân bón từ thực phẩm thừa, phân loại rác thải thực phẩm tại nguồn hoặc ngăn việc chuyển rác thải thực phẩm tới các bãi rác.
Đồng thời, các thành phố có thể ban hành quy định chỉ cho người dùng mua một lượng thực phẩm cần thiết nhất định. Việc này sẽ khiến người tiêu dùng phải lựa chọn và mua bán thực phẩm có tính toán hơn, tận dụng thực phẩm thừa theo nhiều cách khác nhau thay vì đổ bỏ chúng.
Việc tận dụng thực phẩm thừa đã trở thành lựa chọn tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại Tây Ban Nha, chính quyền nhiều thành phố đang tận dụng những loại thực phẩm thừa vẫn còn đủ dinh dưỡng và có thể sử dụng để phân phát cho người khó khăn.
Xử lý rác thải dệt may
Theo UNEP, vật liệu may quần áo có thể được tái chế để sản xuất các mặt hàng mới. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vật liệu này vẫn đang bị lãng phí, gây tổn thất lên tới 100 tỷ USD mỗi năm.
Để ngăn chặn sự lãng phí này, ngành dệt may cần có các hướng phát triển tuần hoàn hơn. UNEP đề xuất các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ cung cấp các mô hình kinh doanh tuần hoàn, sản xuất các sản phẩm bền vững và có thể tái chế, tái sử dụng.
Trong đó, chinh phủ có thể tham gia thúc đẩy hoạt động này thông qua cng cấp cơ sở hạ tầng để thu thập và phân loại hàng dệt may đã qua sử dụng. Đồng thời tuyên truyền để thay đổi nhận thứ của người dân về vấn đề này.
Michal Mlynár, Quyền Giám đốc Điều hành UN-Habitat, nhận xét: “Bằng cách giữ lại vật liệu trong nền kinh tế và tăng cường thực hành quản lý chất thải, việc này sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội, hành tinh và chính chúng ta”.
Điểm thu gom rác thải cho phép phân loại tại nguồn và lưu trữ rác thải hợp vệ sinh. Ảnh: SweepSmart
Hạn chế rác thải điện tử
Rác thải điện tử cũng là một vấn đề nghiêm trọng của thế giới. Thông qua việc hoạch định chính sách, các chính phủ có thể khuyến khích người tiêu dùng bảo quản và giữ gìn các sản phẩm đồ điện tử, như điện thoại, máy tính… Đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất cung cấp dịch vụ sửa chữa để tăng thời gian sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, chính phủ có thể áp dụng chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đảm bảo các nhà sản xuất hàng hóa vật chất chịu trách nhiệm quản lý và xử lý chất thải. Điều này sẽ góp phần tái chế nguyên liệu và hàng hóa trong chu kỳ kinh tế, ngăn người tiêu dùng vứt bỏ sản phẩm, thân thiện với sinh thái và tối ưu hóa việc thu gom chất thải.
Sheila Aggarwal-Khan, Giám đốc Ban Kinh tế và Công nghiệp của UNEP cho biết: “Khi thế giới chìm trong rác thải, nhân loại phải hành động. Chúng tôi có giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải. Chúng ta chỉ cần sự cam kết, hợp tác và đầu tư từ chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân để thực hiện các mục tiêu này”.
Giảm sử dụng tài nguyên trong sản phẩm
Việc sử dụng nguyên liệu thô đã tăng hơn gấp ba lần trong 50 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian tự nhiên và gây ra biến đổi khí hậu, mất mát thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như ô nhiễm và chất thải.
Về vấn dề này, UNEP cho rằng các nhà sản xuất có thể tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế sinh thái được xác định để giảm việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, và các hóa chất độc hại trong sản xuất. Các tiêu chuẩn này cũng đảm bảo sản phẩm có độ bền cao, có thể sửa chữa và tái chế trong khi sử dụng.
Giám sát dữ liệu có thể giúp xác định xu hướng quản lý chất thải thông minh và hiệu quả hơn. Ảnh: UNEP
Giảm ô nhiễm nhựa
Nhựa là một vật liệu được sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, nhựa khóphân hủy sinh học và có nhiều tác động lớn đến sức khỏe. Trong khi đó, khoảng 85% chai, hộp đựng và bao bì nhựa dùng một lần được đưa tới các bãi chôn lấp rahoặc quản lý sai cách.
Theo đó, việc loại bỏ dần nhựa sử dụng một lần và cải thiện quản lý chất thải, UNEP đề xuất cần thiết lập hệ thống giám sát và báo cáo toàn cầu để hướng tới loại bỏ rác thải nhựa.
Loại bỏ chất thải độc hại
Chất thải hóa học và nguy hại cần được xử lý và tiêu hủy theo cách chuyên dụng, tuy nhiên một số chính phủ hiện chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra trong các công ước Basel, Rotterdam và Stockholm (BRS) về vấn đề này. Hóa chất và chất thải độc hại vẫn được vận chuyển xuyên biên giới, trái phép hoặc thậm chí bất hợp pháp.
Với vấn đề này, UNEP khuyến nghị các chính phủ có thể cam kết thực hiện các hiệp định môi trường đa phương (MEA), như các công ước BRS, thể chế hóa hợp tác liên chính phủ và liên ngành thông qua các mục tiêu và kế hoạch hành động mang tính ràng buộc.
Thiết kế và quản lý thành phố
Đến năm 2050, thành phố sẽ là nơi sinh sống của khoảng 68% dân số thế giới. Theo đó, đầu tư vào các tòa nhà tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giảm bớt hoạt động xây dựng và phá dỡ trong thời gian dài, tạo ra lượng chất thải đáng kể và chiếm 37% lượng phát thải khí nhà kính.
Nền tảng Thành phố thông minh về rác thải và Thành phố sạch châu Phi của UN-Habitat cung cấp dữ liệu và giám sát, kiến thức, vận động chính sách và phát triển dự án có khả năng huy động vốn để chuyển các thành phố hướng tới không rác thải. Nhiều thị trưởng, như Nhà vô địch Trái đất Liên hợp quốc năm 2023 Josefina Belmonte của Thành phố Quezon, Philippines, đang dẫn đầu các sáng kiến nhằm hạn chế rác thải, bao gồm cả thực phẩm và nhựa.
Tăng cường quản lý chất thải thông qua đầu tư và đào tạo
Trên toàn cầu, khoảng 25% rác thải không được thu gom, trong khi 39% không được quản lý tại các cơ sở được kiểm soát. Lĩnh vực quản lý chất thải toàn cầu phải chịu tổng chi phí ròng lên tới 361 tỷ USD hàng năm. Theo đó, bằng cách chấm dứt tình trạng xả rác không kiểm soát, giảm phát sinh chất thải và tăng cường tái chế, các chính phủ có thể tạo ra lợi nhuận ròng hàng năm lên 108,1 tỷ USD vào năm 2050.
Mạng lưới Một hành tinh—một cộng đồng toàn cầu gồm những người thực hành, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia—có thể giúp thúc đẩy sự thay đổi này thông qua hợp tác.
Bằng cách thu hồi vật liệu, thiết kế lại sản phẩm, tăng cường quản lý chất thải và ưu tiên tái sử dụng, nhân loại có thể áp dụng phương pháp tiếp cận không rác thải để có một tương lai bền vững hơn.
Trích nguồn monre.gov.vn