(TN&MT) – Đó là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại Hội nghị “Quan trắc và dự báo, cảnh báo môi trường khu vực miền Nam” diễn ra ngày 22/7 tại Bình Thuận.
Tham dự Hội nghị còn có ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; lãnh đạo Tổng cục Môi trường, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo các Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc TN&MT 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường…
Năm 2025 phải dự báo, cảnh báo được ô nhiễm môi trường
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; là năm đầu tiên triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là đã xác lập đúng vai trò hoạt động quan trắc, cảnh báo và dự báo cảnh báo môi trường với các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong hoạt động quan trắc môi trường; đặt ra yêu cầu phải kịp thời đầu tư nâng cấp, thống nhất thông tin, dữ liệu và chuẩn hóa phương pháp và kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang khẩn trương xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chính là đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, trong thời gian tới, chúng ta cần nâng cao chất lượng công tác quan trắc, giám sát môi trường trong, nhất là tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ, cung cấp dữ liệu giữa Trung ương với địa phương. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có thể bước đầu cảnh báo và đến năm 2030 có thể dự báo được ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận đề xuất định hướng bổ sung, hoàn thiện cơ chính sách, pháp luật về quan trắc, dự báo và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn phù hợp với đặc thù của các địa phương khu vực phía Nam. Song song với đó là các giải pháp về tăng cường nguồn lực về khoa học kỹ thuật, tài chính và nhân lực để sớm đạt được mục tiêu đưa công tác quan trắc và dự báo, cảnh bảo tiếp cận các nước tại khu vực và thế giới.
“Cần đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để triển khai hoạt động quan trắc môi trường theo hướng tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc tích hợp dữ liệu, xây dựng mô hình phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo môi trường, thay vì chỉ tập trung đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường như hiện nay” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị.
Bộ TN&MT sẽ có hướng dẫn cụ thể
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, Bình Thuận cũng đã phát sinh không ít các vấn đề về môi trường, điển hình là tình hình môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, ô nhiễm mùi từ hoạt động chế biến thủy sản, chăn nuôi heo… Qua công tác quan trắc môi trường và hoạt động giám sát, các vấn đề môi trường phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát.
Cũng theo ông Phan Văn Đăng, Hội nghị “Quan trắc và dự báo, cảnh báo môi trường khu vực miền Nam” do Bộ TN&MT tổ chức tại tỉnh Bình Thuận chính là cơ hội để các tỉnh, thành khu vực phía Nam được trao đổi, học tập về quan trắc môi trường và chia sẻ một số định hướng, kinh nghiệm trong công tác dự báo, cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Từ đó, nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về môi trường, đặc biệt là các vấn đề môi trường tại các khu vực giáp ranh liên tỉnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) cho biết, tại khu vực miền Nam, mạng lưới quan trắc môi trường thuộc các đơn vị của Trung ương, các Bộ ngành và địa phương đã trải rộng trên khắp 21 tỉnh, thành phía Nam. Đến nay, Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam đã kết nối tự động dữ liệu của 370 trạm quan trắc/20 tỉnh, thành phố.
Theo ông Lê Hoài Nam, nguồn nhân lực, trang thiết bị thực hiện quan trắc môi trường dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho công tác quan trắc và trong thời gian đến là dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Bộ dữ liệu quan trắc hàng năm chưa được sử dụng hiệu quả tương xứng với kinh phí được đầu tư. Đồng thời, việc chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương chưa được liền mạch dẫn đến công tác dự báo, cảnh báo có tính liên vùng, liên lưu vực sông gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Vụ Quản lý Chất lượng Môi trường (Tổng cục Môi trường) trình bày báo cáo tham luận “Tổng quan các quy địa pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực quan trắc môi trường”; lãnh đạo Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) trình bày tham luận “Chương trình kiểm soát ô nhiễm, giám sát và quan trắc, cảnh báo môi trường tại các điểm nóng, nhạy cảm môi trường”…
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc TN&MT nhiều tỉnh, thành phía Nam và một số đơn vị đã đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc về nhân lực, tài chính, cơ chế…. trong triển khai công tác quan trắc môi trường, đặc biệt là nhiệm vụ cảnh báo, dự báo ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường giải đáp các thắc mắc của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh việc nâng tầm công tác quan trắc, gắn với dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện.
“Trong thời gian tới, chúng ta phải dự báo, cảnh báo được một số lĩnh vực. Việc dự báo, cảnh báo cái gì, lĩnh vực nào, ở đâu, sử dụng công cụ nào…, Bộ TN&MT sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Sau Hội nghị này, các đơn vị thuộc Bộ phải ngồi lại với nhau để bàn thảo, xây dựng dự thảo hướng dẫn để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt” – Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/