CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, QUAN TRẮC ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Sáng tạo chống rác thải nhựa

0

“Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều sáng kiến, phong trào chống rác thải nhựa đã được phát động trên phạm vi toàn quốc.

 

Tại Thừa Thiên – Huế, Ban Quản lý Dự án Huế – Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam phối hợp với Trung tâm khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên – Huế tổ chức chung kết Cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa – Huế 2023”.

Tại vòng chung kết, Ban giám khảo đã lựa chọn ra 4 dự án xuất sắc và phù hợp nhất với mục tiêu của dự án. Đó là, Dự án Donaso; Chuyến đi của Rơm; Tổ hợp Văn hóa – Giáo dục – Nghệ thuật KODO Hue Hub và Hệ thống giải pháp MGreen. Tùy quy mô, mỗi dự án được Ban Tổ chức trao tài trợ tối đa 500 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trần Song, Giám đốc Ban Quản lý dự án chia sẻ, các sáng kiến, giải pháp đạt giải được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho thành phố Huế áp dụng có hiệu quả, phù hợp và đạt được mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa thất thoát ra môi trường cũng như tiếp tục phát huy các danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia” và đô thị Huế “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” của địa phương; cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Huế.

Tổ chức World Wide Fund for Nature (WWF) cũng vừa tổ chức vòng Chung kết Cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa”. Tại đây, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ quốc tế DNIIIT- Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có Dự án được Hội đồng Giám khảo xét chọn trong Top 04 Dự án được WWF tài trợ (với mức kinh phí tối đa lên đến 500 triệu đồng) để triển khai thực tế.

Chung tay bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Ảnh minh họa

 Dự án DoNaSo “Giải pháp công nghệ thông minh cho vấn đề rác thải” của nhóm nghiên cứu Viện DNIIT-ĐHĐN đã đề xuất sáng kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập, phân loại và phục vụ tái chế rác thải, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa và bảo vệ môi trường cho các địa phương của Việt Nam, trong đó có thành phố Huế là một trong những “điểm đến di sản” được các cơ quan, tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”.

Thông qua Dự án này, nhóm nghiên cứu mong muốn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với vấn đề rác thải, giúp chính quyền địa phương quản lý rác thải hiệu quả hơn, và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của khu vực miền Trung cũng như Việt Nam.

Tại Quảng Ninh, Khoa Môi trường, Trường Đại học Hạ Long vừa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”.

Mục tiêu chung của dự án là hướng tới các cộng đồng ven biển tự nguyện và nỗ lực tham gia thu gom, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người, hệ sinh thái vịnh nói riêng, biển nói chung. Dự án đã nhận được sự tài trợ của Chương trình các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP/GEF SGP) của Chính phủ Na Uy và vốn đối ứng của tỉnh.

Nguồn: monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.