Philippines đã ban hành Đạo luật Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) vào năm 2022. Theo đó, các doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng thời hạn đăng ký EPR vào ngày 13/2/2023. Hiện Đạo luật chỉ mới hướng đến trách nhiệm tái chế đối với bao bì nhựa trong những năm đầu song các năm tiếp theo, phạm vi điều chỉnh sẽ dần được mở rộng sang các vật liệu khác.
Luật quy định các mục tiêu thu hồi nhựa mà các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đáp ứng, bắt đầu với tỷ lệ thu hồi 20% vào cuối năm 2023, phấn đấu đạt 80% vào cuối năm 2028 và hàng năm sau đó.
Để thực hiện Đạo luật về EPR, Philippines đã ban hành Các Quy tắc và Quy định Thực hiện (IRR) vào tháng 01/2023. IRR cung cấp chi tiết các yêu cầu thực hiện đối với các doanh nghiệp có nghĩa vụ, công ty vận chuyển chất thải và cơ quan xác minh, cùng các tổ chức khác. Khi đã xác định được nhu cầu triển khai chương trình EPR, các doanh nghiệp có nghĩa vụ nên tìm hiểu những bước cần thực hiện để tuân thủ.
* Cơ chế EPR: Doanh nghiệp có nghĩa vụ nên chuẩn bị gì?
Theo Các Quy tắc và Quy định Thực hiện (IRR) Đạo luật EPR của Philippines, trước thời điểm tháng 2/2023, các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp chương trình EPR của mình nhằm ngăn chặn rò rỉ chất thải ra môi trường và giảm thiểu các sản phẩm đóng gói không thân thiện với môi trường.
Chương trình EPR của doanh nghiệp phải thể hiện được 6 chương trình phục hồi gồm: Các phương án thu hồi chất thải thông qua bồi thường, mua lại và bù trừ; Thay đổi hướng tái chế phế thải nhằm chuyển hướng phế thải bao bì vào chuỗi giá trị hoặc các sản phẩm hữu ích có giá trị gia tăng khác; Vận chuyển chất thải đã thu hồi đến các địa điểm trung chuyển hoặc địa điểm xử lý chất thải phù hợp, đảm bảo việc theo dõi để truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính minh bạch; Tham gia thu dọn rác thải ven biển và các khu vực công cộng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cộng đồng địa phương trong công tác môi trường; Đầu tư thành lập các cơ sở vận chuyển hoặc xử lý chất thải thương mại và công nghiệp, được hỗ trợ bởi một hoạt động kinh doanh hoặc nghiên cứu tiền khả thi để đánh giá sự thiếu hụt của các cơ sở hiện có trong nước; Quan hệ đối tác với chính quyền địa phương, cộng đồng và các lĩnh vực xử lý chất thải phi chính thức cho các mục đích liên quan đến thu hồi chất thải, đảm bảo sự tham gia đầy đủ và phù hợp của các bên liên quan chính trong việc thực hiện chương trình EPR.
Rác thải nhựa được phân loại tại một nhà máy tái chế mới ở Metro Manila
Đạo Luật cũng đưa ra 6 chiến lược giảm thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Đó là: Thay thế bao bì sử dụng một lần bằng bao bì tái sử dụng; Xem xét lượng vật liệu được tái chế và chất lượng quá trình tái chế (bao gồm cả năng lượng sử dụng trong quá trình này); Triển khai hệ thống tái chế cho các nhà bán lẻ, dựa trên số lượng hộp đựng sử dụng hạn chế được thông qua hệ thống tái chế; Thiết lập kế hoạch giảm tỷ lệ mang tính khả thi cao, tập trung vào việc cắt giảm nguyên vật liệu đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất bao bì; Xây dựng chiến dịch thông tin, giáo dục; Đảm bảo việc dán nhãn bao bì phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý đúng cách, tuân theo các tiêu chuẩn và quy trình nhãn dán sinh thái có liên quan.
* Triển khai từng bước một
Do các chương trình EPR còn tương đối mới đối với hầu hết các doanh nghiệp nên pháp luật Philippines cho phép các doanh nghiệp có nghĩa vụ có thể lựa chọn các phương thức thực hiện linh hoạt. Có thể doanh nghiệp thực hiện các chương trình EPR của riêng mình hoặc hợp tác với các bên khác, tức là các doanh nghiệp có nghĩa vụ khác hoặc Tổ chức thực hiện Trách nhiệm của Nhà sản xuất (PRO).
Pháp luật về EPR của Philippines cũng đưa ra các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện. Đó là các ưu đãi về thuế, coi chi phí EPR là chi phí cần thiết được khấu trừ từ tổng thu nhập, và miễn thuế và nghĩa vụ đối với các khoản đóng góp, di sản và quà tặng.
Bên cạnh đó, Luật cũng xử phạt việc không tuân thủ quy định với mức phạt từ 5 đến 20 triệu peso (đồng tiền Philippines), đồng thời đình chỉ giấy phép kinh doanh đối với lần vi phạm thứ ba.
Các tình nguyện viên kiểm tra chất thải nhựa để xác định những thương hiệu hàng đầu đang gây ô nhiễm nhựa ở Philippines
* Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn
Sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động là điều cần thiết để đạt được kết quả kinh doanh bền vững. Các công ty có trách nhiệm thu hồi và tái chế của Philippines cần nghĩ đến các chiến lược dài hạn để thực hiện các chương trình EPR của mình nhằm đạt được tỷ lệ thu hồi mục tiêu là 80% vào năm 2028 trở đi. Ngoài việc tuân thủ và khuyến khích từ Đạo luật này, việc thực hiện các chương trình EPR này cũng sẽ phản ánh các giá trị của công ty, cũng như các cổ đông và các bên liên quan.
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Philippines vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng Đạo luật đóng vai trò là chất xúc tác để khuyến khích các nỗ lực hợp tác từ Chính phủ, các công ty, cộng đồng và các khu vực phi Chính phủ nhằm đưa ra các quyết định trong việc giảm thiểu việc tạo ra rác thải nhựa trong nước.
Nguồn: monre.gov.vn